Siêu cường số 1 thế giới cuống cuồng sửa sai

07:08, 14/01/2015
|

(VnMedia) - Nước Mỹ - siêu cường số 1 thế giới và thường được coi là nước lãnh đạo thế giới không mấy khi chịu thừa nhận họ sai lầm. Nhưng mới đây, họ đã phải chịu thừa nhận điều đó và hơn nữa Mỹ dường như đang phải cuống cuồng sửa sai.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Mỹ Kerry


Khi nước Mỹ nhận sai

 
Nhà Trắng rõ ràng đang phải tìm cách giảm bớt ảnh hưởng, tổn thất về hình ảnh gây ra từ làn sóng chỉ trích đang chĩa vào nước Mỹ, vào Tổng thống Barack Obama về hành động có phần phũ phàng với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ khi không tham gia vào một cuộc tuần hành đầy ý nghĩa ở thủ đô Paris để bày tỏ sự chia sẻ với các nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng hồi tuần trước đồng thời thể hiện tình đoàn kết trước chủ nghĩa khủng bố.
 
Nước Mỹ vốn lâu nay luôn được coi là nước lãnh đạo thế giới, đặc biệt là với phương Tây. Mỹ luôn dẫn dắt thế giới trong các vấn đề, thách thức lớn mang tính toàn cầu. Hơn nữa, Mỹ từng là nạn nhân chịu hậu quả tang thương nhất, thảm khốc nhất từ chủ nghĩa khủng bố khi phải hứng chịu loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử thế giới vào ngày 11/9/2001. Kể từ dấu mốc đó, chính Mỹ là ngọn cờ đầu, lãnh đạo các nước trong cuộc chiến chống khủng bố một cách không khoan nhượng.
 
Mới đây, trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo – IS, Mỹ tiếp tục là ngọn cờ đầu, huy động được một lực lượng quốc tế hùng hậu lên tới hơn 60 nước tham gia vào chiến dịch diệt trừ IS. Trong số những nước này, chiếm một con số lớn là các nước đồng minh Phương Tây của Mỹ và các nước như Pháp, Anh luôn là đồng minh hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến này.
 
Trong bối cảnh như trên, không có lý do gì để Mỹ từ chối vai trò dẫn dắt, vai trò lãnh đạo mà họ vẫn giữ và tìm cách duy trì bao nhiêu năm nay. Tuy nhiên, điều khiến người ta bất ngờ là Tổng thống Obama đã không đến tham dự vào cuộc tuần hành mang tính lịch sử trong cuộc chiến chống khủng bố, chống Hồi giáo cực đoan ở thủ đô Paris hồi cuối tuần vừa rồi. Thậm chí, chính quyền Mỹ cũng không cử bất kỳ một quan chức cấp cao nào đến tham dự bất chấp việc có đến hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới góp mặt trong sự kiện này. Nhiều trong số đó là nguyên thủ của các nước đồng minh hàng đầu của Mỹ.
 
Sự vắng mặt khó hiểu của Tổng thống Obama tất nhiên là chẳng thế tránh được làn sóng chỉ trích của dư luận. Đặc biệt, dư luận, báo chí nước Mỹ lại là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất. Hàng loạt các tờ báo đình đám của Mỹ ngày hôm qua (12/1) đều đồng loạt có bài chỉ trích chính quyền Obama. Các bài viết đều bày tỏ sự tức giận, thất vọng và xấu hổ vì sai lầm của Mỹ trong việc không có đại diện cấp cao nào của họ ở một sự kiện có ý nghĩa như cuộc tuần hành ở thủ đô Paris hồi cuối tuần. Rất khó có lý do gì để bào chữa cho sự vắng mặt của lãnh đạo nước Mỹ - quốc gia khởi phát và lãnh đạo “Cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn thế giới, trong cuộc tuần hành được xem là một bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống khủng bố.
 
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội như vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đã phải lên tiếng thừa nhận rằng nước Mỹ đáng ra phải cử quan chức cấp cao đến tham dự vào cuộc tuần hành ở thủ đô Paris để chia sẻ với các nạn nhân của vụ khủng bố và quan trọng hơn nữa là thể hiện sự đoàn kết một lòng, cùng nhau sát cánh trong cuộc chiến của thế giới chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố - một trong mối đe dọa toàn cầu lớn nhất hiện nay.
 
Nước Mỹ cuống cuồng sửa sai?
 
Rõ ràng, giới chức Mỹ đã nhận ra sai lầm tai hại của họ khi vấp phải làn sóng chỉ trích của báo giới, của dư luận và các nghị sĩ ở ngay chính trong nội bộ nước mình.
 
Chính quyền của Tổng thống Obama đã nhanh chóng sửa sai bằng việc đầu tiên là thừa nhận sai lầm.
 
Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 11/1 đã tuyên bố sẽ bay đến thủ đô Paris vào cuối tuần này như một cử chỉ để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Pháp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
 
Ngoại trưởng Kerry cũng nói thêm rằng, chuyến thăm Paris một phần là để trả lời cho những lời chỉ trích về việc Mỹ chỉ cử một đại sứ, không phải là một quan chức cấp cao đến tham gia cuộc tuần hành ở thủ đô Paris hôm 10/1.
 
Ông Kerry cho hay, ngay sau khi ông nghe tin về cuộc tuần hành ở thủ đô Paris, ông đã hỏi đội ngũ nhân viên của mình rằng khi nào ông có thể đến Pháp trong thời gian sớm nhất.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ cũng phản ứng lại rằng, sự chỉ trích của dư luận, báo giới là không đúng chỗ và rằng Mỹ luôn quan tâm đến nước Pháp ngay từ đầu khi vụ khủng bố kinh hoàng diễn ra.
 
Mỹ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế vào ngày 18/2 tới với nội dung trọng tâm là chống lại các hành động bạo lực của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hội nghị này sẽ tập trung vào các nỗ lực ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa và tuyển mộ các cá nhân tham gia vào các hành động khủng bố. 
 
Chính quyền của Tổng thống Obama có lẽ giờ đây chỉ phải tìm cách sửa sai trong mắt báo chí và dư luận trong nước chứ rất may Pháp lại không có phản ứng gì với sự vắng mặt của giới chức cấp cao Mỹ. Thậm chí, những nhà ngoại giao khéo léo của chính quyền Pháp còn nói đỡ rất nhiều cho đồng minh, bày tỏ cảm kích trước sự ủng hộ của Washington trong thời khắc khó khăn của nước Pháp.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc