“Mối tình tay ba” giằng xé giữa Nga, Mỹ, Ấn

10:42, 15/12/2014
|

(VnMedia) - “Mối tình nồng ấm” giữa Nga và Ấn Độ đã được thể hiện rất rõ trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến New Delhi hồi tuần trước. Điều đáng nói là điều này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ vừa thông báo sẽ tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm nước này vào cuối tháng 1 tới. Ông Obama đến Ấn Độ với mục đích để ve vãn cường quốc hàng đầu Châu Á.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi


Ấn Độ rõ ràng đang bị “giằng xé” giữa một bên là người bạn thuỷ chung, sâu sắc truyền thống bao lâu nay là Nga và bên kia là một người bạn mới đầy quyền lực là Mỹ.
 
Chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến New Delhi hồi tuần trước đã gặt hái rất nhiều thành công đúng như dự đoán của nhiều người. Ông Putin đã ký được hàng loạt hợp đồng, thoả thuận lớn với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
 
Ai cũng biết rằng, ông Putin tìm đến với người bạn truyền thống Ấn Độ trong bối cảnh nước Nga đang bị phương Tây dồn ép, bao vây và cô lập vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Nền kinh tế Nga bị tổn thương sâu sắc bởi các đòn trừng phạt của phương Tây. Tổng thống Putin muốn tăng cường, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với người bạn thân lâu năm Ấn Độ nhằm bù đắp cho những tổn thất mà nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu. Đồng thời, Moscow cũng muốn phá vỡ vòng vây và sự cô lập mà phương Tây đang cố tạo ra xung quanh Nga.
 
Tổng thống Putin rõ ràng đã được New Delhi đền đáp xứng đáng cho việc họ đã từng ủng hộ mạnh mẽ cho Ấn Độ trong quá khứ.
 
Quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đã được củng cố trong những lĩnh vực mà Nga đang phải hứng chịu các đòn trừng phạt của phương Tây. Cụ thể, Nga và Ấn Độ đã đạt được các thoả thuận về năng lượng, khí đốt, dầu mỏ, quân sự, quốc phòng và hạt nhân.
 
Việc New Delhi mở rộng vòng tay đón chào Nga trong lúc Moscow đang gặp khó khăn đã chứng tỏ tình bạn lâu năm bền chặt của hai nước này dù quan hệ hai nước đôi lúc cũng không phải là “xuôi chèo mát mái”. Ấn Độ rõ ràng đã phớt lờ phương Tây và Mỹ trong vấn đề gây sức ép với Nga. Điều này khiến phương Tây không khỏi lo ngại. Nếu chiến dịch hướng Đông của ông Putin tiếp tục thành công như kết quả mà ông gặt hái được ở Trung Quốc và Ấn Độ thì rõ ràng phương Tây phải chịu “đòn đau” hơn ai hết. Phương Tây những tưởng rằng họ có thể dùng mối quan hệ kinh tế, thương mại to lớn với Nga để gây sức ép, buộc Moscow phải thay đổi lập trường. Tuy nhiên, thay vì đạt được mục đích như mong muốn, phương Tây có nguy cơ phải đối mặt với việc “mất trắng”. Điều đó có nghĩa là, không những không làm Nga thay đổi được lập trường trong vấn đề Ukraine, phương Tây còn mất đi đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu là Nga bởi rõ ràng Nga đang hướng về phía Đông và đang được đón nhận nhiệt thành.
 
Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Ấn Độ, ông Putin và ông Modi cũng đã thể hiện tình cảm cá nhân nồng ấm.
 
Trong tuyên bố được phát đi sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin, Thủ tướng Modi đã ví quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Nga là “không thể so sánh về chất”, là mối quan hệ “có một không hai”.
 
Ấn Độ chọn ai: Nga hay Mỹ?
 
Chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ thông báo đầy hứng khởi về việc tân Thủ tướng Modi sẽ chào đón Tổng thống Obama đến thăm nước này vào cuối tháng 1 thì ông Modi đã thể hiện “tình yêu” to lớn với Nga bằng những hợp đồng năng lượng, quốc phòng béo bở.
 
Câu hỏi được đặt ra lúc này là ông Modi – người vừa lên cầm quyền hồi tháng 5 và được cho là đã phát triển mối quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Obama, sẽ lựa chọn ai trong Nga và Mỹ. Qua cách ông Modi thể hiện trong chuyến thăm của ông Putin vừa rồi, người ta thấy Ấn Độ không chỉ trân trọng mối quan hệ thân thiết truyền thống với Nga mà hai nhà lãnh đạo Modi và Putin còn tỏ ra rất “tâm đầu ý hợp”. Người ta luôn thấy Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi cười nói thoải mái với nhau.
 
Thông điệp mà ông Modi dường như muốn phát đi là thậm chí dù Ấn Độ có tham vọng mở rộng quan hệ với các đối tác mới, vươn ra toàn cầu thì nước này cũng sẽ không bao giờ quên những người bạn cũ chung thuỷ.
 
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng muốn nhắn nhủ với Washington rằng Mỹ không nên mong đợi, trông chờ vào một mối quan hệ đặc biệt với Ấn Độ.
 
New Delhi và Moscow đã duy trì những mối quan hệ mạnh mẽ thời Chiến tranh Lạnh. Gần đây, Nga và Ấn Độ có một chút trục trặc trong quan hệ khi Moscow quyết định bán trực thăng cho Pakistan – địch thù truyền kiếp của Ấn Độ. New Delhi cũng khiến Nga tức giận khi mua một số vũ khí hạng nặng của Mỹ và Pháp.
 
Tuy vậy, tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7 vừa rồi của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, Thủ tướng Modi đã bảo đảm với Tổng thống Putin rằng, mối quan hệ gắn kết giữa hai nước Nga, Ấn chưa bao giờ mạnh như bây giờ. “Hãy hỏi bất kỳ đứa trẻ nào ở Ấn Độ xem ai là người bạn quốc tế thân thiết nhất của Ấn Độ, chắc chắn chúng sẽ đều trả lời, đó là Nga. Bởi vì Nga là người bạn thời khốn khó, khủng hoảng của Ấn Độ”, ông Modi đã cho biết như vậy. Phát biểu này của Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã cho thấy được tầm sâu sắc, gắn bó trong quan hệ giữa Nga-Ấn. Người ta thường nói, có hoạn nạn, khó khăn mới hiểu được lòng nhau, mới biết rõ ai là người bạn thật sự của mình.
 
New Delhi chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội phát triển quan hệ với Mỹ bởi Thủ tướng Modi chủ trương mở rộng sự hợp tác với nhiều đối tác để phục vụ cho sự phát triển của Ấn Độ cũng như tham vọng của cường quốc Châu Á này. Tuy nhiên, ông Modi cũng phát đi tín hiệu rằng, Ấn Độ sẽ không gạt sang một bên những người bạn truyền thống gắn bó bao lâu nay. Việc của Thủ tướng Modi như vậy là chỉ làm sao để cân bằng được giữa mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sao cho vừa phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Ấn Độ vừa đảm bảo duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Mỹ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc