Báo Mỹ nói về chiến lược tàn bạo của Kiev

15:34, 05/01/2015
|

(VnMedia) - Tờ Los Angeles Times hồi cuối tuần vừa rồi đã đăng tải một bài viết trên mục phân tích-bình luận trong đó nói về chiến lược tàn bạo của chính quyền Kiev đối với miền đông Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Dưới đây là nội dung bài viết:

 
Hồi giữa tháng 12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một dự luật mang tên Dự luật Ủng hộ Tự do cho Ukraine, trong đó có nội dung về khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, kêu gọi Nhà Trắng hỗ trợ Kiev giúp đỡ những người mất nhà cửa cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế để phân phát viện trợ cho Ukraine.
 
Sự giúp đỡ nói trên là vô cùng cần thiết ở miền đông Ukraine – chiến trường ác liệt kéo dài suốt nhiều tháng qua. Phần lớn cơ sở hạ tầng ở Donetsk và Luhansk – hai thành phố chính ở miền đông Ukraine – đều đã bị phá huỷ. Nguồn cung cấp lương thực và than bị cắt đứt. Kiev phong toả hoạt động trả lương hưu cho người dân cũng như các khoản thanh toán khác cho khu vực từ hồi tháng 11 năm ngoái. Với mùa đông khắc nghiệt đang đến, nguy cơ đói khát và cái chết rình rập ở miền đông Ukraine. Như  Liên Hợp Quốc và Tổ chức Ân xá quốc tế nhận định, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã hiền hiện ở Ukraine.
 
Không may là phát biểu gần đây của Đại tá Oleksiy Nozdrachov – người chịu trách nhiệm về mối quan hệ hợp tác quân sự và dân sự của Kiev ở miền đông Ukraine, đã cho thấy những dấu hiệu đáng ngại về thái độ, lập trường của Kiev đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền đông Ukraine. Trong khi Liên Hợp Quốc đang thấy trước mắt một cuộc khủng hoảng nhân đạo đáng sợ thì Kiev dường như lại xem đó là một cơ hội cho họ.
 
Chiến lược của Kiev như lời Đại tá Nozdrachov tiết lộ với tờ USA Today là tiếp tục ngừng cung cấp các dịch vụ công cộng của chính phủ cho các khu vực miền đông đang nằm trong sự quản lý của lực lượng ly khai với mục đích là để khiến người dân phải chịu đau khổ và từ đó họ sẽ quay lại chống lực lượng ly khai. “Chiến lược này là nhằm thể hiện với người dân ở các khu vực miền đông nằm trong sự kiểm soát của lực lượng ly khai rằng, tình hình dưới thời chính quyền Ukraine tốt hơn rất, rất nhiều”, ông Nozdrachov nói. Ngoài ra, một bản báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế được công bố hôm 24/12 cho biết, “các sư đoàn tình nguyện ủng hộ Kiev đang ra sức ngăn cản việc đưa hàng viện trợ nhân đạo vào miền đông Ukraine trong một động thái rõ ràng là nhằm để cho cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở khu vực thêm trầm trọng”.
 
Những hành động của chính quyền Kiev thật sự đáng bị chỉ trích. Kiev và một số phần còn lại của thế giới coi giới tướng lĩnh đang kiểm soát Donbass (từ dùng để chỉ hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk) là những thực thể bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu một tay súng chiếm lĩnh một toà văn phòng, không có cơ quan cảnh sát nào ở Mỹ có thể được tha thứ nếu tìm cách chặn những nguồn cung cấp cơ bản thiết yếu nhất cho con tin với hy vọng họ nổi dậy và chế ngự thủ phạm. Cung cấp viện trợ cho người dân thường bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu không phải là hành động nhượng bộ hay đàm phán với đối thủ mà đó là nguyên tắc căn bản: ngăn chặn sự mất mát không cần thiết về tính mạng con người.
 
Bất kỳ quyết định nào nhằm sử dụng thảm kịch hiện nay ở miền đông Ukraine như một thứ vũ khí không chỉ là hành động đáng ghê tởm về mặt đạo đức mà nó chắc chắc sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho chính chính quyền Kiev. Chiến lược đó có thể khiến lực lượng ly khai phải đầu hàng và cho phép Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thiết lập trở lại quyền kiểm soát bình thường đối với các khu vực miền đông. Tuy nhiên, Ukraine là mảnh đất chất chứa nhiều mâu thuẫn và hận thù. Người dân Donbass sẽ không thể quên việc Kiev bỏ đói họ để bắt họ khuất phục. Nỗi giận dữ với Kiev và phương Tây sẽ tiếp tục cháy âm ỉ ở Donbass và đó mới chính là vấn đề.

Ukraine không thể biến Donetsk và Luhansk thành một vùng chiến sự dài lâu như Transnistria ở Moldova hay Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia – những khu vực mà sự thù hận, đối đầu luôn âm ỉ, ngăn cản một sự thống nhất, đoàn kết đất nước thực sự ở những quốc gia đó. Ukraine từ lâu đã trên bờ vực của một sự sụp đổ về kinh tế. Để cứu vãn nền kinh tế là một việc làm vô cùng khó khăn kể cả với những đánh giá, ước tính lạc quan nhất. Khôi phục nền kinh tế mà không có các trung tâm công nghiệp ở miền đông Ukraine dường như là điều không thể. Cơ hội tốt nhất của Ukraine để chống lại thảm hoạ về kinh tế là tiến tới một quốc gia thống nhất, đoàn kết và để làm điều đó họ phải giành lại trái tim của những người miền đông Ukraine.

Đây là một thách thức – một thách thức mà Kiev không thể vượt qua chỉ đơn giản bằng cách đánh chiếm lại lãnh thổ và cắm lên đó một ngọn cờ Ukraine. Đông Ukraine tách biệt với phần còn lại của đất nước bởi sự chia cắt về văn hoá, ngôn ngữ và thậm chí là tôn giáo với một trong hai nhánh chính thân Kiev và nhánh còn lại thân Nga. Đó là một đường chia cắt rất mờ chạy khắp các thành phố, qua các khu vực và các gia đình. Cho đến năm ngoái, đường chia cắt đó không phải là một rào chắn không thể vượt qua như trong trường hợp ở các nước Yugoslavia và Czechoslovakia. Tuy nhiên, sau cuộc chiến đẫm máu khiến 4.700 thiệt mạng, hơn một triệu người mất nhà cửa và giao tranh tiếp tục diễn ra ở miền đông Ukraine, đường chia cắt nói trên đang ngày một sâu hơn.
 
Tổng thống Poroshenko mới đây thông báo, vào ngày 15/1 tới, ông này sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo các nước Nga, Pháp và Đức để thảo luận về tình hình Ukraine. Ông Poroshenko thừa nhận, Kiev không thể lấy lại Donbass bằng quân sự. Ở Moscow, Nga thông báo tiếp tục cung cấp dầu mỏ cho Ukraine và hồi cuối tuần Kiev và lực lượng ly khai trao đổi tù nhân. Đó là những dấu hiệu đáng hoan nghênh nhưng đối với hàng triệu người nhận lương hưu và những dân thường khác ở Donbass liệu một nghị quyết Ukraine có đến đủ nhanh để giúp họ giảm nhẹ những nỗi khốn cùng mà họ đang phải gánh chịu hay không?


Vân Linh - (theo LA)

Ý kiến bạn đọc