Tên lửa BrahMos và máy bay Su30 MKI: Cuộc 'hôn phối' hoàn hảo của không lực Nga - Ấn

12:26, 06/10/2014
|

(VnMedia) - Hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ đạt được những thành công ‘chói chang’ ngoài mong đợi. Hai cường quốc quân sự với kinh nghiệm và tiềm lực hùng hậu này đã cho ra những sản phẩm hợp tác hết sức hiệu quả. Chưa hết, những sản phẩm ấy lại ‘kết đôi’, để tạo thành những hệ sản phẩm vũ khí có một không hai trong tấn công và phòng thủ quân sự.

 

Cuộc hôn phối thứ nhất: BrahMos – Sức mạnh đa năng khó hình dung

Cái tên BrahMos là sản phẩm của một sự kết hợp hết sức nhẹ nhàng, lãng mạn và vô cùng ý nghĩa, đó là tên viết tắt của hai con sông: Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga.

BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng thẳng hay nghiêng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất. Nó được phát triển dựa trên sự hợp tác nghiên cứu giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và tổ chức nghiên cứu và phát triển bộ quốc phòng của Ấn Độ.

Loại tên lửa này có vận tốc 2,5 đến 2,8 Mach và có một khả năng kỳ dị bay hình chữ S, thậm chí bẻ vòng 360 độ .

BrahMos được tuyên bố là có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước với độ cao thấp hơn 10 m và có tầm hoạt động tối đa là 290 km. Với tốc độ cao BrahMos có thể dễ dàng đâm xuyên qua mục tiêu hơn các loại tên lửa hạng nhẹ bay dưới tốc độ âm thanh như Tomahawk. Với trọng lượng gấp đôi và nhanh hơn bốn lần Tomahawk, BrahMos có lực tác động mạnh hơn 32 lần tên lửa này khi đâm vào mục tiêu.

Dù mục đích chính của BrahMos là tên lửa chống tàu nhưng nó cũng có thể dùng để đánh vào các mục tiêu cố định trên đất liền. Loại tên lửa này còn đang được nghiên cứu để ra những phiên bản tiếp theo với những khả năng phi phàm khác cũng như khắc phục các nhược điểm hiện tại và không phải bất kỳ nước nào thèm muốn cũng sẽ đều được cung cấp ‘chiếc đinh thổi lửa’ này.

 Ảnh minh họa

 Siêu phẩm Su 30 MKI - mang tên lửa BrahMos của Ấn Độ



Cuộc hôn phối thứ hai : Su30 MKI – Phi đội có một không hai

Su-30 MKI (MKI nghĩa là Modernizirovannyi Kommercheskiy Indiski trong tiếng Nga -Modernized Commercial for India - Hiện đại hóa thương mại cho Ấn Độ),tên ký hiệu của NATO Flanker-H. Đây là một máy bay tiêm kích tấn công hạng nặng hoạt động tầm xa, được Tập đoàn Sukhoi của Nga và HAL của Ấn Độhợp tác cùng phát triển cho Không quân Ấn Độ.

Chiếc Su-30MKI đầu tiên do Nga chế tạo được biên chế vào đơn vị của Không quân Ấn Độ vào năm 2002, trong khi chiếc Su-30MKI đầu tiên do Ấn Độ lắp ráp chế tạo đi vào hoạt động trong IAF vào năm 2004.Năm 2007, IAF đặt mua thêm 40 Su-30MKI chiếc bổ sung. Có khả năng mang vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí do Ấn Độ tự chế tạo, máy bay tiêm kích này còn kết hợp với các hệ thống tác chiến khác của Ấn Độ. Su-30MKI còn sử dụng các hệ thống phụ của Pháp và Israel . Biến thể MKI được xác định là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5.

Su-30MKI hiện đại hơn Su-30 nguyên bản hay Su-30MKK của Trung Quốc. Hệ thống điện tử hàng không, đặc tính khí động học và các thành phần cấu tạo đều tương tự như Su-35. Sự kết hợp Nga - Ấn này sẽ cho phép Ấn Độ tự sản xuất đến 90% linh kiện của máy bay này và đến cuối năm nay, Ấn Độ có thể có đến 230 máy bay Su – 30 MKI, một trong những phi đội đông đảo và hiện đại bậc nhất thế giới. Con số này còn tiếp tục tăng hơn nữa trong tương lai và Su-30 MKI chiếm đến 70% tổng số lượng máy bay tiêm kích của Ấn Độ.

Cuộc hôn phối thứ ba: Cú đấm đáng sợ với mọi đối thủ

Tổng Giám đốc Liên doanh Nga-Ấn Độ BrahMos Aerospace, ông Sudhir Kumar Mishra cho biết, các phiên bản siêu tên lửa BrahMos dành cho không quân sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ vào năm 2016. “Sự phát triển của tên lửa là phù hợp với kế hoạch. Việc giao hành sẽ bắt đầu vào năm 2016”. Ấn Độ sẽ trang bị loại tên lửa này cho các phi đội Su – 30 MKI của họ.

Với những ưu điểm của hai loại vũ khí trên, khi “chiếc đinh thổi lửa” BrahMos được lắp trên Su30 MKI, một máy bay thế hệ 4,5 của phi đội không quân đông đảo bậc nhất thế giới, e rằng các ưu điểm của mỗi vũ khí sẽ bổ trợ và nhân lên nhiều lần. Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia Nga - Ấn tạo nên sự phối ghép đáng sợ này. Rất nhiều quốc gia đang nhòm ngó hệ sản phẩm vũ khí hàng không tuyệt đỉnh này, nhưng cho đến nay, chỉ mới riêng không quân Ấn Độ được trang bị đầy đủ nhất.

Cả ba cuộc hôn phối kể trên thực ra là sản phẩm của một cuộc hôn phối kinh điển trong chính trị và quân sự: Nga - Ấn. Chúng là hệ quả đương nhiên của sự hợp tác toàn diện, rất triển vọng cũng như đầy tiềm lực của hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

>>
MiG 35 - ‘độc cô cầu bại’ hay đại bàng giấy?


Hoàng Minh

Ý kiến bạn đọc