(VnMedia) - Các lực lượng thuộc quân chính phủ Syria đã rầm rập tiến hành vây ráp, siết chặt vòng thòng lọng xung quanh một sào huyệt của các chiến binh khủng bố đến từ nhóm Jabhat al-Nusra trong khu vực tây nam thủ đô Damascus, báo chí địa phương hôm qua (24/12) đưa tin.
Theo hãng thông tấn chính thức của nhà nước Syria - SANA, các đơn vị quân đội Syria đã phối hợp tác chiến với lực lượng du kích đồng minh để đánh bật nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra ra khỏi cứ điểm chiến lược, sau những cuộc giao tranh ác liệt gần phía đông của khu vực Beit Jinn. Hàng loạt tên khủng bố đã bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ.
Cuộc nội chiến ở Syria đã đi vào giai đoạn cuối cùng sau gần 7 năm diễn ra khốc liệt và đẫm máu, khi quân chính phủ trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad phải chiến đấu chống lại không chỉ các nhóm đối lập Syria đang tìm cách lật đổ chính quyền của ông Assad, mà còn cả các tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Jabhat Fatah al Sham.
Cuộc chiến của Syria được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các đồng minh như Nga và Iran. Lực lượng Không quân Nga đã phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria nhằm hỗ trợ cho quân của chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố từ năm 2015 theo đề nghị của Tổng thống Assad. Chiến dịch không kích mạnh mẽ, quyết liệt của Không quân Nga không chỉ giúp quân đội Syria đánh bại các lực lượng khủng bố mà còn giúp đảo chiều cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông theo hướng có lợi cho Tổng thống Assad. Mới đây, Nga và Syria đã tuyên bố, chiến dịch chống khủng bố của họ đang đi đến hồi kết.
Trong một động thái hoàn toàn bất ngờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11/12 đã bất ngờ đến thăm căn cứ quân sự của Nga ở Syria và đưa ra mệnh lệnh rút quân mới. Cụ thể, Moscow sẽ rút “một phần đáng kể” trong lực lượng quân sự Nga đang đóng tại chiến trường Syria về nước.
Hiện tại, Moscow và Damascus đã bắt đầu khởi động tiến trình tái thiết đất nước Syria thời hậu chiến tranh. Liên quan đến tình hình Syria, ông Bernd Duschner - Chủ tịch một tổ chức thiện nguyện chuyên về cứu trợ nhân đạo cho Syria, hôm qua đã nói với hãng tin Sputnik rằng, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng đối với chính quyền Syria gây ra nhiều tổn thất và sự khốn khổ cho người dân hơn cả chiến tranh.
Theo ông Duschner, tiền được quyên góp cho các nạn nhân ở Syria phải đi qua Li-băng do các biện pháp trừng phạt của Châu Âu hạn chế giao dịch tài chính trực tiếp với Syria. Cùng với đó, thuốc men, các thiết bị y tế và nhiều mặt hàng thiết yếu khác trên thực tế không thể đưa vào các bệnh viện của Syria do các biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính của phương Tây.
Ông Duschner không ngần ngại cho rằng, quyết định năm 2011 của chính phủ Đức về việc áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria là mồi lửa đầu tiên châm ngòi cho cuộc nội chiến ở Syria. “Theo quan điểm của tôi, những biện pháp trừng phạt đó là sự chuẩn bị cho chiến tranh, bởi các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế của đất nước, tạo ra làn sóng thất nghiệp rộng khắp, ồ ạt và khiến tình hình của người dân trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Thực tế đó đã làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn về xã hội và sắc tộc, từ đó đẩy đất nước Syria vào một cuộc nội chiến”.
Cuộc chiến ở Syria chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Hai bên ủng hộ cho hai phe đối địch nhau trong cuộc chiến ở Syria. Nếu như Nga luôn sát cánh bên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì Mỹ và phương Tây lại hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria.
Ngoài ra, Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ cũng mâu thuẫn với nhau về lực lượng người Kurd ở Syria. Trong khi Ankara coi lực lượng người Kurd ở Syria là kẻ thù thì Mỹ lại coi lực lượng này là đội quân đồng minh chủ lực trong cuộc chiến tiêu diệt IS. Lực lượng người Kurd cũng muốn giành quyền kiểm soát một số khu vực nhất định ở Syria. Điều này khiến họ phải đối đầu với chính quyền Tổng thống Assad và cả Nga.
Có thể nói, những mâu thuẫn và lợi ích chồng chéo nhau sẽ khiến cuộc chiến ở Syria dễ dàng phát triển theo hướng tiêu cực hơn, khó giải quyết hơn.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc