Nga bất ngờ bóc mẽ tên lửa mạnh nhất mà Triều Tiên vừa khoe

20:10, 05/07/2017
|

(VnMedia) - Trong khi Triều Tiên khoe rằng tên lửa mà họ vừa phóng đi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân lớn, khiến Mỹ cũng phải “toát mồ hôi”, thì Nga lại bất ngờ bóc mẽ thứ vũ khí được cho là có sức hủy diệt kinh hoàng này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Triều Tiên khoe tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân lớn

Bình Nhưỡng hôm nay (5/7) tuyên bố, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà họ mới phát triển có thể mang một đầu đạn hạt nhân lớn. Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên dẫn lời Chủ tịch Kim Jong Un cho biết, vụ thử ngày hôm qua đã giúp hoàn tất qua trình phát triển năng lực vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm vũ khí hạt nhân, bom H và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Bình Nhưỡng sẽ không đàm phán với Mỹ để từ bỏ những vũ khí đó cho đến khi Washington chấm dứt chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên, ông Kim đã nói như vậy. "Chủ tịch Kim với nụ cười rộng mở đã nói với các quan chức, các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên rằng, Mỹ sẽ không hài lòng bởi họ đã được tặng ‘một gói quà lớn’ trong Ngày Độc lập”, hãng tin KCNA dẫn lời ông Kim cho hay.

Ông Kim đã ra lệnh cho quân đội “thường xuyên gửi đi những gói quà nhỏ và lớn” cho người Mỹ, hãng tin KCNA cho biết thêm.

Theo KCNA, vụ thử thành công ngày hôm qua đã chứng minh cho năng lực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên. Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên đưa tin, tên lửa Hwasong-14 mà nước họ vừa phóng đi đã bay được 933km và đạt được độ cao 2.802km trong thời gian bay 39 phút.

Một số nhà phân tích cho rằng, chi tiết về đường bay của tên lửa cho thấy, tên lửa mới của Triều Tiên có tầm bắn đến hơn 8.000km và có thể đưa nhiều khu vực trên lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn. Điều này nếu được chứng minh là đúng thì đây sẽ là bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ vài ngày trước thềm cuộc họp thượng đỉnh G-20 ở Đức. Đây là cuộc họp mà các nước dự định sẽ bàn thảo những bước đi nhằm kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Mỹ rất quan ngại trước sự thách thức ngày một cao độ nói trên của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, vụ thử tên lửa ngay trước Ngày Độc lập của Mỹ đánh dấu “một bước leo thang mới trong mối đe dọa” đối với nước Mỹ và các đồng minh. Ông Tillerson tuyên bố sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn với Triều Tiên.

Nga bóc mẽ, Hàn Quốc hoài nghi

Trong khi Mỹ tỏ ra quan ngại thì Nga khẳng định tên lửa mà Triều Tiên phóng đi ngày hôm qua chỉ là một tên lửa đạn đạo tầm trung chứ không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Trái với tuyên bố của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay khẳng định, tên lửa vừa được phóng đi của Bình Nhưỡng là một tên lửa tầm trung. Theo các dữ liệu quân sự được Nga công bố, tên lửa của Triều Tiên đã bay khoảng 535km và đạt độ cao 510km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, vụ thử tên lửa sáng ngày hôm qua của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa gì đối với Nga. “Vụ thử được tiến hành ở khu vực cách xa so với biên giới Nga và không gây ra mối đe dọa gì cho Liên bang Nga”, quân đội Nga cho biết. Hệ thống cảnh báo tên lửa của Nga đã phát hiện và dò theo đường bay của tên lửa Triều Tiên khi tên lửa này được phóng đi vào lúc 3h46 sáng ngày hôm qua theo giờ Moscow.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phải là tên lửa có tầm bắn xa hơn 5.500km và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân một lúc. Do khả năng bắn xa và năng lực chứa nhiều đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là vũ khí mang tính hủy diệt nhất nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện. Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được phóng đi từ Triều Tiên có thể vươn tới lãnh thổ của Mỹ. Trong khi đó, một tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn ngắn hơn rất nhiều và không gây ra mối đe dọa cho siêu cường số 1 thế giới.

Bản thân Hàn Quốc cũng hoài nghi về việc Triều Tiên đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cho biết, họ không chắc chắn về việc có đúng là Bình Nhưỡng đã thành công trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay không bởi vì không có bằng chứng cho thấy tên lửa của Triều Tiên đã quay trở về khí quyển sau vụ phóng mới nhất ngày hôm qua.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc