Tân Tổng thống Hàn Quốc gây sững sờ trước hành động đối với Triều Tiên

07:12, 18/05/2017
|

(VnMedia) - Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khiến nhiều người không khỏi sững sờ, choáng váng khi nói đến viễn cảnh bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ vài giờ sau khi thể hiện lập trường hòa dịu, muốn nối lại đàm phán với nước láng giềng kế bên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi Mỹ, Hàn Quốc tiến hành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD và sau khi Bình Nhưỡng thực hiện thành công vụ thử tên lửa đạn đạo mạnh nhất của nước này, Tổng thống vừa lên cầm quyền của Hàn Quốc – ông Moon Jae-in đã bất ngờ tuyên bố rằng cuộc chiến với Triều Tiên “nhiều khả năng” sẽ xảy ra.

"Thực tế đang diễn ra cho thấy khả năng cao sẽ xảy ra một cuộc xung đột quân sự ở Đường Ranh giới phía Bắc và ở khu vực đường ranh giới phi quân sự”, ông Moon nói.

Phát biểu trên được tân Tổng thống Hàn Quốc đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông bày tỏ một lập trường hòa dịu với nước láng giềng Triều Tiên bằng tuyên bố muốn nối lại các cuộc đàm phán song phương.

Tuy nhiên, có vẻ như sự thay đổi bất ngờ của ông Moon là xuất phát từ lập trường đầy thách thức và không chịu lùi bước của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc đã nói đến viễn cảnh chiến tranh sau khi giới chức Triều Tiên đưa ra tuyên bố khẳng định tiếp tục theo đuổi con đường thách thức lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thách thức hoạt động triển khai hệ thống THAAD đang diễn ra trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Ông Moon từng thể hiện ý định xem xét lại kế hoạch triển khai hệ thống THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm làm dịu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Không rõ là sau những động thái và phát ngôn đầy khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng trong thời gian vừa qua, liệu tân Tổng thống Hàn Quốc còn có ý định hủy bỏ kế hoạch triển khai THAAD nữa hay không. Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này không chỉ khiến Triều Tiên tức giận mà còn khiến cả Nga và Trung Quốc lo lắng, bất an.

Nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc từng được kỳ vọng sẽ là nhân tố quan trọng giúp tháo gỡ “ngòi nổ” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bởi ông là người được Bình Nhưỡng ủng hộ. Vừa lên cầm quyền, ông Moon đã phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của chính quyền Seoul, đó là phải tìm cách thuyết phục một nước láng giềng Triều Tiên ngày càng cứng rắn và quyết liệt lùi bước trong vấn đề tên lửa và hạt nhân. Không rõ ông Moon có khả năng khuất phục được Bình Nhưỡng hay không nhưng đã có những dấu hiệu tích cực đầu tiên. Triều Tiên được cho là ủng hộ ông Moon trở thành Tổng thống của Hàn Quốc bởi ông này có tư tưởng thân Bình Nhưỡng. Ông Moon chủ trương tìm hướng giải quyết bằng con đường chính trị và ngoại giao để xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Moon cũng phản đối kế hoạch triển khai THAAD.

Chính vì lý do trên, ngay trước thềm cuộc bầu cử, chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã phát đi một thông điệp hòa dịu đầy bất ngờ. Theo đó, Bình Nhưỡng đã lên tiếng kêu gọi “chấm dứt” tình trạng căng thẳng với Hàn Quốc.

Cách tiếp cận theo hướng đối thoại và viện trợ của tân Tổng thống Moon với Triều Tiên hoàn toàn đối lập với phương pháp tiếp cận cứng rắn của Mỹ - đồng minh hàng đầu của Seoul. Washington đang tìm cách gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt và cô lập Triều Tiên thêm nữa.

Tuy nhiên, ông Moon đã không thể có “một tuần trăng mật” ngọt ngào khi ông lên nhậm chức với màn “chào đón” đặc biệt bằng tên lửa của láng giềng Triều Tiên. Màn “chào hỏi” này khiến tân Tổng thống Moon rơi vào tình thế khó xử bởi ông sẽ khó có thể duy trì lập trường hòa dịu với Bình Nhưỡng trong bối cảnh nước láng giềng tiếp tục khiêu khích và thách thức như thế này.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc