Sau khi Obama cùng Trump lên đường tới Điện Capitol dự Lễ Nhậm chức, các nhân viên Nhà Trắng sẽ có chưa đầy 5 giờ để biến nơi ở suốt 8 năm qua của Obama thành nhà mới của Trump.
Khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng lần đầu tiên trên cương vị tổng thống vào ngày 20/1, các bộ âu phục của ông đã được treo trong tủ quần áo, ảnh chân dung ông được đặt ngay ngắn trên bàn, bàn chải sẽ được xếp cạnh tuýp kem đánh răng mà ông ưa dùng trong phòng tắm.
“Toàn bộ ngôi nhà sẽ giống với những gì đệ nhất gia đình mới mong muốn”, Stephen Rochon, cựu quản gia của Nhà Trắng, cho biết.
Cho đến khi gia đình Obama rời Nhà Trắng để lên đường tới Lễ Nhậm chức trong ngày hôm đó, người ta không được phép động vào bất cứ thứ gì. Thời gian để các nhân viên thực hiện quá trình biến đổi ngôi nhà là chưa đầy 5 giờ đồng hồ.
Giờ hành động
Rochon làm việc trong Cơ quan Quản lý Nhà Công vụ từ năm 2007 đến năm 2011. Ông từng tham gia vào quá trình chuyển giao Nhà Trắng giữa Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama vào tháng 1/2009.
Từ sảnh North Portico của Nhà Trắng, ông theo dõi chiếc limousine của gia đình Bush rời đi xa dần. Đó là lần cuối cùng Bush còn đóng vai trò ông chủ Nhà Trắng.
Trong khi gia đình Bush tới xem lễ nhậm chức của Obama ở Điện Capitol, các nhân viên Nhà Trắng cũng chuẩn bị chứng kiến sự thay đổi của căn biệt thự này diễn ra ngay trước mắt họ.
Đồ đạc của tổng thống được chuyển vào Nhà Trắng vào Ngày Nhậm chức của Bill Clinton, 20/1/1993. Ảnh: Thư viện và Bảo tàng Tổng thống William J. Clinton. |
“Ngay khi bước qua cửa ở Tầng Khánh tiết, tôi lập tức ra hiệu và chúng tôi bắt đầu hành động”, Rochon nói.
Khi Rochon nói “hành động”, điều đó có nghĩa tất cả đều tham gia vào một kế hoạch tỉ mỉ và chuẩn xác để nhanh chóng biến đổi Nhà Trắng trước khi ông chủ mới bước vào.
Tất cả đồ đạc của gia đình tổng thống mãn nhiệm phải được đóng gói cẩn thận và chuyển ra ngoài. Tất cả đồ đạc của đệ nhất gia đình mới phải được chuyển vào và bỏ ra khỏi thùng.
Các tấm thảm mà Trump sẽ đi lại bên trên phải đúng theo yêu cầu của gia đình ông. Nội thất mà họ sử dụng sẽ là những đồ mà họ đã chọn, dù đó là đồ mới hay được lấy từ kho đồ cũ từng được dùng ở Nhà Trắng trước đây.
Trong khi gia đình Obama biết rõ rằng đó là ngày cuối cùng họ sống trong Nhà Trắng, người ta vẫn phải hết sức thận trọng để đảm bảo đệ nhất gia đình mới sẽ cảm thấy như ở nhà. “Không ai muốn tổng thống mãn nhiệm cảm thấy mình bị đuổi ra khỏi nhà”, Rochon nói.
Những công việc chuyển đổi quan trọng nhất trong ngôi nhà sẽ diễn ra cùng lúc tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức.
“Tổng thống mãn nhiệm thấy ngôi nhà vẫn như những gì ông ấy thường thấy”, Dean Mercer, cựu nhân viên mật vụ của Bill Clinton và George W. Bush, cho biết.
“Nhưng khi tổng thống mới bước vào, mọi đồ đạc của ông ấy đã ở đó rồi”. Mercer nhận xét trong khoảng thời gian chuyển tiếp đó, Nhà Trắng “trở thành một tổ ong”.
Tình yêu với Nhà Trắng
Ngoài khối lượng công việc hậu cần đồ sộ của ngày hôm đó, các nhân viên Nhà Trắng cũng như đệ nhất gia đình đều cảm thấy rất xúc động.
Vào buổi sáng Obama tuyên thệ nhậm chức, tất cả nhân viên đều tập trung ở Phòng Phía Đông để chia tay gia đình Bush, những người mà họ đã phục vụ trong suốt 8 năm. Nhiều nhân viên đã biết gia đình Bush từ nhiều năm trước, trong nhiệm kỳ tổng thống của cha ông, George H. W. Bush.
“Đó thực sự là một khoảnh khắc cảm động đến rớt nước mắt bởi vì nó giống như là từ biệt một người bạn, không hẳn chỉ là nhân viên hay ông chủ”, Rochon kể lại.
Quản gia Nhà Trắng Stephen Rochon đứng ở trước phòng cùng Tổng thống George W. Bush khi các nhân viên Nhà Trắng nói lời chia tay đầy nước mắt với đệ nhất gia đình vào ngày 20/1/2009. Ảnh: Eric Draper. |
Quang cảnh tương tự cũng diễn ra vào buổi sáng Tổng thống George H. W. Bush và đệ nhất phu nhân Barbara Bush rời Nhà Trắng vào năm 1993. Tổng thống Bush đã bật khóc khi thấy các nhân viên tụ tập lại quanh ông.
Trong cuốn sách Dinh thự: Bên trong thế giới riêng tư của Nhà Trắng, bà Barbara Bush đã chia sẻ về khoảnh khắc xúc động này. “Chúng tôi nghẹn ngào tới mức không biết phải nói sao nhưng tôi nghĩ họ đều hiểu tình cảm của chúng tôi dành cho họ”. Đối với bà, đó là phần việc khó khăn nhất trong ngày từ biệt Nhà Trắng.
Rochon cho rằng tình cảm gắn bó này được tạo thành bởi những nhân viên Nhà Trắng là những người đứng ngoài đời sống chính trị. Họ chỉ tập trung làm tốt công việc của mình để đệ nhất gia đình cảm thấy dễ chịu nhất khi sinh sống ở đây bất kể họ là ai.
Gần một năm rưỡi trước Ngày Nhậm chức, quản gia Nhà Trắng đã bắt đầu soạn ra danh sách tên và nhân dạng của các nhân viên cùng với sơ đồ bài trí Nhà Trắng. Tài liệu này cũng bao gồm những gì đệ nhất gia đình mới có thể và không thể thay đổi tại biệt thự số 1600 Đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington D.C..
Thảm, sơn, giấy dán tường, đèn chùm, đồ nội thất, thiết bị phòng tập, thậm chí tường cũng có thể xây thêm hoặc phá bỏ ở một mức độ nào đó như trong trường hợp phòng ngủ của tiểu thư Malia Obama.
“Về mặt lý thuyết họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn”, William Seale, nhà nghiên cứu lịch sử Nhà Trắng, nhận định. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng tổng thống sẽ không để việc tu sửa đi quá xa. “Tôi chưa từng thấy có vị tổng thống nào không yêu quý ngôi nhà này”, ông nói.
Theo Zing
Ý kiến bạn đọc