Mỹ hứng thất bại bẽ bàng chưa từng có trên chiến trường Syria

07:17, 09/01/2017
|

(VnMedia) - Việc Mỹ bị gạt bỏ một cách phũ phàng ra khỏi tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở Syria bất chấp sự can thiệp rất sâu của họ vào chiến trường này được xem là một thất bại bẽ bàng chưa từng có của siêu cường số 1 thế giới tại quốc gia Trung Đông.

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry
Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry

Lệnh ngừng bắn do Moscow và Ankara đứng ra làm trung gian thúc đẩy đã được duy trì tương đối tốt trong 10 ngày qua ở Syria. Đây được xem là tin tức tốt nhất từ quốc gia bị giày xéo bởi chiến tranh, xung đột suốt gần 6 năm qua. Nó cũng mở ra cơ hội để tìm kiếm giải pháp giúp chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến đẫm máu ở Syria.

Sau các cuộc đàm phán ba bên Moscow-Ankara-Tehran về Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/12 thông báo, chính phủ Syria và các phe nhóm đối lập đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc và đã sẵn sàng khởi động lại tiến trình hòa bình.

Một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng là làm trung gian đã ra đời và sau đó đã được Liên Hợp Quốc thông qua. Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/12. Theo sau thỏa thuận ngừng bắn sẽ là tiến trình đàm phán hòa bình dự kiến được khởi động ở thủ đô Astana của Kazakhstan vào cuối tháng này.

Hồi cuối tuần, giới chức Nga trong ủy ban ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đã có khoảng 10 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn xảy ra ở Syria trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, nhìn chung, số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đang giảm đi và thực tế này đang củng cố niềm tin giữa các bên tham gia thỏa thuận ngừng bắn.

Mỹ bị gạt sang bên lề

Điều đáng chú ý nhất là đây là thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên ở Syria mà lực lượng bảo đảm là hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là Mỹ - siêu cường số 1 thế giới cũng là một trong hai nước can dự sâu nhất vào cuộc khủng hoảng ở Syria.

Bất chấp việc Mỹ bỏ phiếu ủng hộ sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với kế hoạch do Nga đề xuất về tiến trình hòa bình ở Syria, Washington dường như “bị gạt hoàn toàn ra bên ngoài và bị bỏ rơi khỏi tiến trình ở Syria”, ông George Galloway – một chính khách cũng là nhà văn và là cựu nghị sĩ Anh, nhận định.

"Hiện tại, bộ ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang bắt tay với chính quyền Tổng thống Bashar Assad ở Damascus để tự mình giải quyết vấn đề và đây là một sự mất mặt nặng nề đối với Mỹ. Nếu có bất kỳ ai đó trông trở nên đáng thương hơn Tổng thống Obama thì đó là Ngoại trưởng John Kerry. Ông Kerry đã hoàn toàn bị gạt sang bên lề và bị bỏ rơi khỏi tiến trình bởi chính phủ của ông ta chỉ muốn ‘chọc gậy bánh xe’, phá hoại những tiến bộ thay vì thúc đẩy tiến bộ. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các bên thực sự muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đã quyết định tự làm điều đó mà không dính gì đến Mỹ”, ông Galloway nói thêm.

Những phân tích trên của ông Galloway nhận được sự đồng tình của nhà khoa học chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ - ông Emre Ersen. Theo ông Ersen, “hiện tại, chúng ta biết rằng Mỹ và Liên Hợp Quốc phần lớn đã bị gạt sang một bên trong tiến trình ngừng bắn mới ở Syria và tôi không nghĩ rằng họ vui về điều đó. Đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO”.

Ông Ersen cũng bình luận thêm rằng, thỏa thuận ngừng bắn tương tự do Nga và Mỹ làm trung gian đã thất bại ngay từ trong trứng nước và điều đó đã làm phương hại đến kế hoạch hòa bình cho Syria.

"Chúng tôi biết Mỹ đã cung cấp sự hậu thuẫn về quân sự cho một số nhóm ở Syria nhưng nước này thực sự chưa bao giò muốn can dự tích cực vào cuộc xung đột ở Syria ngay từ đầu. Điều đó đã khiến cho họ rơi vào thế yếu trên bàn ngoại giao”, ông Ersen nói thêm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, cố vấn chính của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ilnur Cevik, cho biết, thỏa thuận giữa Moscow và Ankara về lệnh ngừng bắn ở Syria “cho thấy tiềm năng lớn về khả năng tìm kiếm hòa bình thế giới khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay chặt chẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin".

Kiệt Linh (theo RIA)


Ý kiến bạn đọc