(VnMedia) - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 13/12 đã thẳng thừng tuyên bố, họ ủng hộ việc gia hạn thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Brussels – nơi các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ bàn thảo về chính sách trừng phạt Nga.
Thủ tướng Đức Merkel đang dẫn dắt EU trong cuộc đối đầu trực tiếp với Nga |
Bà Merkel nói rằng, trong bối cảnh vẫn còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong tiến trình hòa bình Ukraine, cụ thể là những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tiếp tục diễn ra thường xuyên, “sẽ là cần thiết để gia hạn thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thêm một lần nữa”.
Cùng lên tiếng trong cuộc họp báo chung ở thủ đô Berlin với Thủ tướng Merkel, Tổng thống Pháp Hollande cũng nhất trí cho rằng, chưa có tiến triển cần thiết trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. “Do chưa có những nỗ lực đầy đủ nên vẫn chưa có tiến triển và những cản trở cũ vẫn còn tồn tại, tôi – cũng giống như Thủ tướng Đức, ủng hộ việc tiếp tục gia hạn chính sách trừng phạt Nga”, ông Hollande đã nói như vậy.
Trong khi đó, ở thủ đô Brussels, một quan chức của Châu Âu hồi tuần trước tiết lộ, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande sẽ đề xuất kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga khi giới chức EU gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 15/12 theo giờ địa phương, tức 16/12 theo giờ Hà Nội.
"Dường như đã có sự đồng thuận”, vị quan chức EU cho biết đồng thời nói thêm rằng một thỏa thuận chính thức về việc gia hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga có thể sẽ được ký kết vào tháng Một năm sau.
Phản ứng trước diễn biến trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Grigory Karasin chỉ trích những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Merkel và Hollande là “đạo đức giả và phản tác dụng”.
"Nga đang nỗ lực hết sức để tái khởi động tiến trình thực hiện các thỏa thuận Minsk – một tiến trình đang bị giới chức Kiev tìm cách cản trở”, Thứ trưởng Karasin đã nói như vậy với hãng tin Itar-Tass.
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.
Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.
Chính sách trừng phạt Nga có hiệu lực cho đến hết ngày 31/1/2017. Hiện tại đang có những tranh luận gay gắt trong nội bộ các nước thành viên EU về việc có nên tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt Nga hay không. Một số nước thành viên EU đang muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.
Moscow cũng đang hy vọng mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong nội bộ EU sẽ giúp họ phá vỡ “thế trận” mà phương Tây đang dàn ra để đối phó với Nga trong thời gian vừa qua. Nga rõ ràng đã bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách trừng phạt, bao vây của phương Tây và đang tìm cách vùng vẫy thoát ra.
Tuy nhiên, Moscow có thể sẽ phải một lần nữa thất vọng bởi dù có một số nước EU muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga nhưng những nước có ảnh hưởng hàng đầu như Đức, Pháp lại muốn tiếp tục o ép Nga. Điều này đồng nghĩa với khả năng EU sẽ tiếp tục kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc