(VnMedia) - Bangladesh đã mua hai chiếc tàu ngầm từ Trung Quốc, khiến Ấn Độ khó tránh khỏi cảm giác “đứng ngồi không yên” vì lo lắng. Liệu Trung Quốc có phải đang tìm cách bao vây nước láng giềng phía nam?
Ảnh minh họa |
Theo hãng tin Sputnik của Nga, nước láng giềng phía đông của Ấn Độ - Bangladesh đã mua hai chiếc tàu ngầm chạy bằng điện diesel từ Trung Quốc hôm 14/11 mới đây. Sau khi được đưa vào biên chế năm 2017, hai chiếc tàu ngầm này sẽ là hai chiếc tàu ngầm đầu tiên và duy nhất trong Lực lượng Hải quân Bangladesh.
Động thái trên đã gây ra những hoài nghi bởi vì Bangladesh tiếp giáp ba mặt với Ấn Độ, chỉ có một phần nhỏ tiếp giáp với Myanmar ở phía đông. Defense News đã phỏng vấn các chuyên gia về vấn đề này.
Bangladesh hiện không có tranh chấp lãnh hải hay lãnh thổ sau khi tất cả những cuộc tranh chấp giữa họ với Ấn Độ và Myanmar đều được giải quyết lần lượt vào các năm 2012 và 2014. "Rất khó để hiểu được tại sao Bangladesh lại mua tàu ngầm cho lực lượng Hải quân khi nước này không đối mặt với bất kỳ mối đe dọa lục quân-hải quân thông thường nào”, ông Gurpreet Khurana – một quan chức của Hải quân Ấn Độ và là giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, cho biết.
Tàu ngầm có khả năng mang ngư lôi và thủy lôi nên nó được xem là loại vũ khí tấn công. Tuy nhiên, với một lực lượng hải quân bé nhỏ, Bangladesh còn lâu mới có khả năng chịu được bất kỳ cuộc xung đột hải quân thực sự nào với Ấn Độ. Theo các chuyên gia Ấn Độ, chỉ có một khả năng đây là một hành động khiêu khích của Bangladesh nhằm vào an ninh hàng hải của Ấn Độ.
Ông Arun Prakash - một đô đốc nghỉ hưu của Hải quân Ấn Độ, tin rằng, việc Bangdalesh tin mua tàu ngầm là một bước trong chính sách lâu dài của Trung Quốc nhằm bao vây Ấn Độ bằng các nước vệ tinh phụ thuộc vào Trung Quốc. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những nước sản xuất vũ khí lớn của thế giới. Ấn Độ còn là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có tranh chấp lãnh thổ ở biên giới mà còn tranh giành ảnh hưởng quyết liệt với nhau trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Hải quân Bangladesh từ lâu đã có lịch sử mua bán vũ khí hải quân từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc mua tàu ngầm lần này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, ông Swaran Singh - một giáo sư chuyên về ngoại giao và giải trừ vũ khí ở trường Đại học Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ, nhận định.
Kiệt Linh (theo Sputnik)
Ý kiến bạn đọc