(VnMedia) - Ngày 13/11 đánh dấu tròn một năm sau thảm kịch khủng bố rúng động xảy ra giữa thủ đô Paris xinh đẹp và hoa lệ. Những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thực hiện một loạt cuộc tấn công tàn độc và đẫm máu, gây thương vong cho hàng trăm người. Tuy nhiên, IS càng tàn bạo thì chúng càng thảm bại.
Đốt nến tưởng niệm các nạn nhân |
Đối với rất nhiều người dân Pháp, ký ức kinh hoàng của đêm thứ Sáu, ngày 13/11/2015 vẫn chưa thể phai mờ. Những tên khủng bố IS điên cuồng đồng loạt tấn công 8 địa điểm ở bên trong và xung quanh thủ đô Paris. Một nhóm tấn công vào sân vận động Stade de France có sức chứa hàng chục nghìn người ở ngay bên ngoài thủ đô Paris. Đồng thời với cuộc tấn công này, một nhóm khác lao vào các quán bar và quán cà phê ở quận 10 và 11 nổ súng như mưa. Khoảng 20 phút sau, nhóm tấn công thứ ba ập vào nhà hát Bataclan, tiến hành một cuộc tấn công cực kỳ tàn độc. Loạt trận tấn công khủng bố này đã cướp đi sinh mạng của 130 người dân vô tội và làm bị thương gần 500. Máu chảy tràn khắp nơi. Một nhân chức có tên là Michael O'Connor, đến từ Anh, từng kể lại rằng, ông đã phải bò qua không biết bao nhiêu thi thể, lội qua vũng máu, nhiều nơi dày đến 1cm để thoát khỏi nhà hát Bataclan mà vào thời điểm đó được ví như “lò sát sinh” chứ không còn là nơi cất lên những giai điệu âm nhạc kỳ diệu. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra ở nước Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Cả thế giới bàng hoàng, rúng động trước loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris và Tổng thống Hollande phải nhanh chóng tuyên bố trình trạng khẩn cấp ở Pháp.
Không chỉ Pháp mà cả Châu Âu rời vào trạng thái hoảng loạn, lo âu, thấp thỏm.
Đúng 1 năm sau ngày kinh hoàng nói trên, tại Paris diễn ra một loạt các hoạt động tưởng niệm dành cho 130 nạn nhân vô tội thiệt mạng trong các cuộc tấn công. Những hoạt động tưởng niệm gồm có một trận bóng giao hữu diễn ra tại sân vận động Stade de France giữa hai đội tuyển bóng đá Pháp và Thụy Điển, buổi trình diễn của ca sĩ nhạc rock Sting đến từ nước Anh ở nhà hát Bataclan và hoạt động đặt hoa, đốt nến, thả bóng bay ở tất cả những nơi từng phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố ở tất cả các địa điểm bị tấn công. Đặc biệt, nhà hát Bataclan đã mở cửa trở lại bằng một buổi biểu diễn ấn tượng. Đây được xem là một biểu tượng thể hiện sự thách thức đối với chủ nghĩa khủng bố, thể hiện sự không khuất phục trước sự tàn bạo.
Đoàn kết trước bạo tàn
Một năm sau loạt trận tấn công ngày 13/11, nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn còn hiển hiện. Nỗi đau buồn và sự ám ảnh vẫn còn. 9 người vẫn phải điều trị trong bệnh viện, nhiều người bị liệt và hàng trăm người vẫn phải điều trị tâm lý. Người dân nước Pháp vẫn sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Tình trạng khẩn cấp vẫn được áp đặt khắp đất nước. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục nhưng không thể trở lại bình thường như trước đây. Mọi người trở nên cảnh giác hơn. Đâu đâu người ta cũng nhìn thấy hình ảnh bộ quân phục của các lực lượng vũ trang. Paris đã triển khai một chiến dịch quân sự lớn nhất từ sau thế chiến II với 6.500 binh sĩ trong số 10.000 binh sĩ được tung ra khắp cả nước để đề phòng khủng bố. Những vụ sơ tán khẩn cấp cũng xảy ra thường xuyên hơn.
Nếu nhìn bề ngoài, IS tưởng rằng chúng đã thành công, đã gây khiếp sợ và khiến người dân nước Pháp khuất phục. Tuy nhiên, trên thực tế, loạt trận khủng bố kinh hoàng đó dù gây ra sự âu lo, thấp thỏm và để lại “vết thương” khó liền nhưng chính những cảm xúc này đã gắn kết người Pháp lại với nhau, tạo thành một khối đoàn kết mạnh mẽ. Ông Gregory Reibenberg – người có vợ thiệt mạng trong loạt trận tấn công khủng bố cách đây hơn 1 năm, tâm sự: “Trong mỗi người dân nước Pháp vẫn còn sự lo âu, thấp thỏm, nhưng tình yêu thương đang lớn dần lên và đối lập với những gì mọi người có thể tưởng tượng, những cuộc tấn công đó đã khiến chúng tôi muốn gần nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn. Những cuộc tấn công đã đoàn kết chúng tôi lại với nhau theo một cách mạnh mẽ” dù nỗi đau đã đi đến tận cùng.
Geraldine – một người phụ nữ Pháp, cũng có chung quan điểm như ông Reibenberg, nói rằng, “các cuộc tấn công khủng bố đã đem đến cho chúng tôi sự gắn kết hơn, yêu thương hơn. Tôi bây giờ có cảm giác ấm áp như đang được sống trong một ngôi làng. Đây là cảm giác hầu như không có khi sống ở một thành phố như Paris. Những người hàng xóm trở nên thân thiết và quan tâm đến nhau nhiều hơn”.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc