(VnMedia) - Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi cuối tuần vừa rồi đã nói rằng, ông Duterte không muốn bị gọi là một Hitler mới nhưng ông ấy sẵn sàng giết chết 3 triệu người trong cuộc chiến chống tội phạm.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte |
Tổng thống Duterte đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế sau khi ông ví cuộc chiến chống tội phạm ma túy khiến hơn 3.000 thiệt mạng ở Philippines giống với cuộc tàn sát người Do Thái của trùm phát xít Đức Adolf Hitler.
"Chúng tôi không muốn làm giảm nhẹ đi những mất mát quá to lớn của 6 triệu người Do Thái trong nạn diệt chủng người Do Thái thời Hitler. Phát biểu của Tổng thống liên quan đến vụ thảm sát đó là một cách nói mỉa mai về cái cách mà ông ấy bị miêu tả là một kẻ thảm sát - một tên Hitler - một điều mà ông ấy bác bỏ", phát ngôn viên của Nhà lãnh đạo Philippines - ông Ernesto Abella đã giải thích như vậy trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Abella xác nhận Tổng thống Duterte đã phát biểu về ý định muốn giết chết hàng triệu người ở Philippines để đạt được mục tiêu diệt trừ tận gốc nạn ma túy bất hợp pháp.
"Ông Duterte đã ám chỉ đến việc ông ấy ‘sẵn sàng giết’ 3 triệu tên tội phạm ma túy để cứu tương lai của thế hệ tiếp theo cũng như tương lai của đất nước”, ông Abella nhấn mạnh.
Trước đó, hôm thứ Sáu (30/9), Tổng thống Duterte đã đề cập chiến dịch thảm sát người Do Thái của Hitler khi nói về chiến dịch diệt trừ tội phạm ma túy của ông này. "Có 3 triệu tội phạm ma túy ở Philippines. Tôi rất vui khi giết được chúng”, ông Duterte đã phát biểu như vậy. “Ít nhất nếu Đức có Hitler thì Philippines cũng sẽ có”, Nhà lãnh đạo Duterte nói rồi ngừng lại, sau đó lại tiếp: “Nhưng các bạn biết đấy, những nạn nhân của tôi, tôi muốn giết tất cả các tội phạm để kết thúc vấn đề của đất nước tôi và cứu thế hệ tiếp theo khỏi kiếp đọa đày”.
Giới chức cấp cao của Mỹ, một đại diện về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, chính phủ Đức và các nhóm người Do Thái đã nhanh chóng lên án gay gắt những phát biểu của Tổng thống Duterte.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30/9 đã miêu tả những phát biểu của ông Duterte là “cực kỳ đáng lo ngại”.
Cùng chia sẻ nỗi lo ngại của Mỹ, chính phủ Đức đã nói với Đại sứ Philippines tại Berlin rằng, sự so sánh của ông Duterte về cuộc chiến chống tội phạm ma túy với cuộc thảm sát người Do Thái của Hitler là “không thể chấp nhận được”.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã triệu tập Đại sứ Philippines “đến để thảo luận về vấn đề”.
"Bất kỳ sự so sánh nào liên quan đến nạn diệt chủng người Do Thái với bất kỳ điều gì khác đều hoàn toàn không thể chấp nhận được”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer gay gắt cho biết.
Đức cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte - một cuộc chiến chứng kiến hơn 3.000 người thiệt mạng chỉ trong vòng 3 tháng.
Cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc về việc ngăn chặn các nạn thảm sát - Adama Dieng cũng lên tiếng cảnh báo ông Duterte có nguy cơ mắc tội ác chống lại loài người.
Ông Dieng kêu gọi Tổng thống Duterte "hãy kiềm chế trong việc sử dụng ngôn ngữ bởi nó có thể ‘làm trầm trọng thêm sự phân biệt, thù địch và bạo lực cũng như khuyến khích các hành động tội ác lan rộng và có hệ thống. Điều này có thể lên tới tội ác chống lại loài người”, một tuyên bố của Liên Hợp Quốc cảnh báo.
Ông Duterte, 71 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm sau một chiến dịch tranh cử mà ở đó ông cam kết mạnh mẽ sẽ diệt trừ tội phạm ma túy trong xã hội bằng cách tiêu diệt hàng nghìn người.
Tổng thống Duterte cho rằng, Philippines đang có nguy cơ trở thành một quốc gia ma túy.
Kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền hôm 30/6, cảnh sát Philippines đã tiêu diệt hơn 1.200 nghi phạm ma túy và khoảng 1.800 người mất mạng trong những tình huống chưa được giải thích.
Trước những phát biểu liên quan đến Hitler, Tổng thống Duterte từng phải đối mặt với hàng loạt sự chỉ trích từ các chính phủ phương Tây và các nhóm nhân quyền về việc ông này cho phép người dân giết chết các nghi phạm ma túy mà không cần thông qua xét xử.
Ông Duterte đã phản ứng lại một cách đầy thách thức trước những lời chỉ trích nói trên bằng việc sử dụng những lời lẽ “phi ngoại giao” đồng thời khẳng định ông này không làm bất kỳ điều gì bất hợp pháp. Tổng thống Duterte “nổi tiếng” với những lời lẽ xúc phạm nặng nề nhằm vào hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ông Duterte cũng không ngại “tấn công” thẳng thừng Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Âu (EU).
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc