(VnMedia) - Sau khi tha thiết đề nghị Nga hợp tác trên chiến trường Syria, Mỹ lại bất ngờ “lật mặt” khi phát biểu rằng việc chia sẻ thông tin tình báo với Nga là điều “không khôn ngoan”.
Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ |
Vị tướng hàng đầu của Mỹ hôm 22/9 đã nói trước Quốc hội rằng, sẽ là không khôn ngoan khi chia sẻ thông tin tình báo với Nga đồng thời nhấn mạnh rằng đây sẽ không phải là một trong những nhiệm vụ của quân đội nếu Washington bắt tay với Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, cho rằng, bất kỳ sự phối hợp quân sự nào giữa Nga và Mỹ theo cái gọi là “đơn vị hành động chung” sẽ cực kỳ hạn chế. Quân đội Mỹ không có ý định thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin tình báo với Nga, ông Dunford nhấn mạnh.
"Tôi không tin đó sẽ là một ý kiến hay khi chia sẻ thông tin tình báo với Nga”, vị tướng Mỹ đã nói như vậy trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Hợp tác với Nga trong vấn đề xác định mục tiêu sẽ gây nguy cơ cho Washington nếu Nga có bất kỳ hành vi không đúng nào trong cuộc chiến tranh. Lầu Năm Góc liên tục cáo buộc Nga sử dụng các kỹ thuật đánh bom thô bạo gây nhiều thương vong cho dân thường.
Giới chức tình báo Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về việc chia sẻ thông tin tình báo chính xác về những địa điểm đóng quân của phe nổi dậy Syria được Mỹ hậu thuẫn. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain – Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, kịch liệt phản đối viễn cảnh hợp tác quân sự trong tương lai giữa Nga và Mỹ theo kế hoạch mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang tiến hành. Ông McCain cho rằng, ông Kerry “hoang tưởng” khi tìm kiếm một sự hợp tác như vậy.
Những phát biểu trên được đưa ra sau khi giới chức ngoại giao Mỹ nỗ lực tìm kiếm một sự hợp tác với Nga trên chiến trường Syria. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây thường xuyên bày tỏ mong muốn được “phối hợp tác chiến” với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Trước đó, Moscow cũng nhiều lần đề nghị hợp tác với Washington ở Syria song những lời đề nghị như vậy đều bị phớt lờ.
Hồi đầu tháng này, Mỹ và Nga đã ký một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, mở ra khả năng lớn chưa từng có về việc hai nước phối hợp hành động chung trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác.
Tuy nhiên, cả Moscow và Washington đều không tiết lộ chi tiết cụ thể và chính xác về bất kỳ sự phối hợp quân sự nào trong tương lai mà hai nước định tiến hành trên chiến trường Syria. Và sau khi thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng đổ vỡ, triển vọng về sự hợp tác quân sự giữa Nga và Mỹ càng trở nên xa vời.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga và Mỹ. Nga từ lâu luôn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng nổi dậy Syria và khăng khăng đòi lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.
Cuộc nội chiến kéo dài 5,5 năm qua ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người và làm hơn 11 triệu người mất nhà cửa. Cuộc chiến này đã trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới hiện giờ. Đáng chú ý là cuộc chiến này còn là cơ hội để cho các tổ chức khủng bố nổi lên, đặc biệt là nhóm IS. Nga và Mỹ đều có chung mối quan ngại sâu sắc về IS và đều muốn tiêu diệt IS. Đây là lý do khiến hai nước gần đây dốc nhiều nỗ lực để xóa bỏ bất đồng, hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria và cùng chung tay chống IS.
Sau khi Mỹ tìm đến Nga, tia hy vọng đã được nhen nhóm lên. Tuy nhiên, có vẻ như sự hoài nghi, thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh quá lớn, khiến họ chẳng thể tìm kiếm được tiếng nói chung ở Syria. Kết quả là dù đã nỗ lực rất nhiều, Nga và Mỹ vẫn chưa thể thiết lập được cơ chế phối hợp hành động chung trên chiến trường chống Syria.
Tình trạng trên khiến cho cuộc nội chiến ở Syria đã bế tắc lại càng thêm bế tắc. Gần 6 năm trôi qua mà tình hình Syria vẫn chưa có lối thoát.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc