(VnMedia) - Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm qua (15/9) phát biểu, phương Tây cần phải cải thiện quan hệ với Nga nếu muốn giải quyết thành công cuộc xung đột ở Syria.
Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy và Tổng thống Nga Putin |
Phát biểu trên truyền hình trong một chương trình trò chuyện với các nhà báo kinh tế và chính trị hàng đầu của Pháp, ông Sarkozy đã nói: "Nếu tôi là tổng thống, tôi sẽ không bao giờ đưa ra quyết định trừng phạt nhằm vào Nga."
"Trước hết là bởi vì chúng ta cần Nga giúp đỡ tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Chúng ta cần phải thiết lập một liên minh đoàn kết để hành động ở Syria và đó là điều chúng ta cần ở Nga”, ông Sarkozy cho hay.
"Khi tôi còn là Tổng thống Pháp, tôi đã phải giải quyết một vấn đề rất phức tạp là cuộc xung đột ở Gruzia. Và tôi đã giải quyết cuộc khủng hoảng đó mà không cần phải dùng đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, không cần phải đẩy chúng ta vào một tình huống mà các nhà sản xuất nông nghiệp phải chịu tổn thất lớn, như ngày hôm nay là 1 tỉ euro vì xuất khẩu giảm”, ông Sarkozy nhấn mạnh.
Ông Sarkozy là tiếng nói mới nhất lên tiếng phản đối việc phương Tây theo đuổi chính sách trừng phạt nhằm vào Nga. Trước ông Sarkozy, có hàng loạt chính khách và các nhà phân tích đã thúc giục chính phủ Pháp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Thậm chí, Thượng viện và Hạ viện Pháp đều bỏ phiếu cho một nghị quyết kêu gọi hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.
Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.
Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.
Pháp là một trong những nước đang có nhiều tiếng nói từ giới chức cấp cao và các chuyên gia lên tiếng đòi từ bỏ chính sách trừng phạt Nga.
Trong khi đó, Anh có vẻ vẫn quyết tâm thúc đẩy thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga bất chấp một bản báo cáo mới đây của Ủy ban Quốc phòng cho biết, các biện pháp đó đang gây ảnh hưởng chủ yếu đến dân thường Nga chứ không phải cơ cấu quân sự của Nga.
Hơn nữa, chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây đến nay vẫn chẳng khiến Moscow thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine. Thay vào đó, nó chỉ làm cho quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày một xấu đi và cả hai bên đều phải hứng chịu những thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Mới đây, Mỹ và EU tiếp tục gia hạn và thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga với lý do cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa đạt được những tiến bộ như mong muốn. Moscow phản bác lại rằng, tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine phụ thuộc phần lớn vào Kiev chứ không phải Nga. Moscow tin rằng, Kiev không hề muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc