(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz hôm qua (4/7) cho biết, ông sẽ ký một ý định thư với tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ về việc mua một hệ thống tên lửa Patriot có giá trị lên tới 5 tỉ euro (khoảng 5,6 tỉ USD).
Ảnh minh hoạ |
Chính phủ tiền nhiệm của Ba Lan từng thông báo về kế hoạch mua hệ thống tên lửa cực mạnh Patriot của Mỹ nhưng chính phủ đương nhiệm lên cầm quyền đã đặt một dấu chấm hỏi lớn đối với kế hoạch mua sắm vũ khí nói trên. Bản thân Bộ trưởng Macierewicz khi đó từng phát biểu: “Giá cả của hệ thống Patriot cao hơn rất nhiều, thời gian bàn giao cũng lâu hơn rất nhiều… Tóm lại, hợp đồng đó trên thực tế không tồn tại”.
Tuy nhiên, ngày hôm qua, ông Macierewicz bất ngờ cho biết, Ba Lan có thể thúc đẩy kế hoạch mua tên lửa Patriot bởi tập đoàn Raytheon cam kết rằng, 50% chi phí cho hệ thống tên lửa Patriot sẽ “ở lại Ba Lan bởi các công ty vũ khí của Ba Lan có thể tham gia vào quá trình chế tạo siêu tên lửa này".
"Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi sẽ ký ý định thư”, hãng tin PAP của Ba Lan dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Macierewicz cho biết.
U.S. Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.
Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h. Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.
Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện.
Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn.
Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.
Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO.
Thái độ của Ba Lan khiến Nga thực sự tức giận và liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc