Dù "đau đớn", EU quyết không buông tha cho Nga?

11:25, 20/05/2016
|

(VnMedia) - Bất chấp thực tế là Liên minh Châu Âu (EU) đang phải hứng “đòn đau” từ việc theo đuổi chính sách trừng phạt Nga, liên minh này vẫn kiên quyết không thay đổi lập trường.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

EU được cho là sẽ tiếp tục gia hạn gói biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau khi nó hết hạn vào tháng 7 này. Tuy nhiên, sự gia hạn này có thể sẽ vấp phải sự tranh cãi và sẽ chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn, các nhà ngoại giao và quan chức Châu Âu cho hay.

Liên minh EU gồm 28 thành viên cần sự đoàn kết, thống nhất để duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Sự đoàn kết của EU đang ngày càng bị thử thách nghiêm trọng trong vấn đề này.

Trong khi một số nước cho rằng, Nga chưa thực hiện cam kết trong cái gọi là tiến trình hoà bình Minsk cho miền đông Ukraine thì nhiều nước khác lại muốn khôi phục trở lại mối quan hệ thương mại với Moscow.

Cao uỷ chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini hôm qua (19/5) đã nói với tờ Die Welt của Đức rằng, bà mong muốn các biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính và năng lượng nhằm vào Nga sẽ được tiếp tục gia hạn thực hiện.

"Nguyên thủ các nước thành viên EU gắn vấn đề dỡ bỏ chính sách trừng phạt Nga với việc thực hiện nghiêm chỉnh Thoả thuận Minsk. Cho đến nay, điều này chưa đạt được”, bà Mogherini nhấn mạnh.

Cao uỷ chính sách đối ngoại EU thừa nhận, "luôn có những quan điểm khác nhau về một số yếu tố trong chính sách trừng phạt của chúng tôi. Việc này có thể tiếp tục diễn ra…. Điều quan trọng là chúng tôi sẽ duy trì sự đoàn kết và cùng nhau quyết định”.

EU bắt đầu tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga từ hồi năm 2014.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga.

Cả hai bên đều phải hứng chịu tổn thất từ việc theo đuổi chính sách trừng phạt nói trên. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga rõ ràng không đem lại hiệu quả về mặt chính trị như mong muốn. Phương Tây muốn thông qua việc ép Nga bằng các biện pháp trừng phạt để buộc nước này phải thay đổi lập trường trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, điều đó đã không xảy ra. Moscow vẫn kiên quyết theo đuổi lập trường của mình.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc