(VnMedia) - Động thái quân sự mới nhất của Nga ở Syria đang gây ra sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ chính quyền Mỹ. Giới chức Mỹ đang tranh luận với nhau về việc liệu Tổng thống Vladimir Putin có thực sự ủng hộ sáng kiến do Liên Hợp Quốc chủ trì, nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria hay là đang lợi dụng các cuộc đàm phán để che giấu kế hoạch nối lại hoạt động quân sự nhằm hậu thuẫn cho đồng minh Bashar Assad.
Ảnh minh hoạ |
Một số quan chức Mỹ đã nói với hãng tin Reuters rằng, Moscow mới đây đã tái triển khai lực lượng pháo binh đến gần thành phố Aleppo, phía bắc Syria. Bất chấp việc đã rút một nửa số lượng chiến đấu cơ ra khỏi Syria, Nga vẫn giữ một lực lượng đủ mạnh ở Syria với những chiếc trực thăng tối tân. Nga tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự ở Syria.
Sự kiện Nga đưa pháo binh đến gần Aleppo đã dẫn đến việc một số quan chức Mỹ cảnh báo, nếu Washington không có phản ứng gì thì điều đó sẽ được Moscow xem là một dấu hiệu của sự yếu đuối của Mỹ. Và điều này, theo giới chức Mỹ là có thể khuyến khích Nga leo thang sự thách thức đối với Mỹ và các quân đội đồng minh khác thông qua những động thái hải quân và không quân khiêu khích hơn.
Những vị quan chức Mỹ nói trên cũng cho rằng, nếu Mỹ không có phản ứng với Nga thì điều đó sẽ làm phương hại hơn nữa mối quan hệ giữa Washington với Ả-rập Xê-út và các nước vùng Vịnh khác đang muốn lật đổ Tổng thống Assad, và với cả Thổ Nhĩ Kỳ – nước đang thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Phản ứng mà một số quan chức Mỹ muốn là tăng cường sự ủng hộ của Mỹ cho lực lượng nổi dậy Syria bằng cách cung cấp thêm nhiều tên lửa chống tăng và bệ phóng lựu đạn thông qua các nước thứ ba.
Tuy nhiên, một số quan chức khác của Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, lại phản đối bất kỳ hành động leo thang can thiệp quân sự của Mỹ nào thêm nữa vào Syria.
Bản thân Tổng thống Obama từ lâu cũng miễn cưỡng không muốn Mỹ can dự sâu vào cuộc chiến ở Syria. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông chủ Nhà Trắng đã nói rằng, Washington không nên để mình bị lôi kéo vào một “cuộc chiến tranh uỷ quyền” với Moscow. Chính quyền của ông Obama đã tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường cuộc chiến chống IS – tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới đang kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn ở đông bắc Syria.
Nhà Trắng từ chối bình luận về bất kỳ cuộc tranh cãi nội bộ nào trong chính quyền Mỹ về ý định của Tổng thống Putin sau quyết định tái khiển khai lực lượng pháo binh đến phái bắc Syria.
Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã gặp khó khăn trong việc đọc các ý định của Tổng thống Putin trong vấn đề Syria kể từ khi Moscow chính thức quyết định tham chiến ở chiến trường quốc gia Trung Đông hồi tháng 9 năm ngoái.
Quyết định đột ngột rút phần lớn lực lượng ra khỏi Syria của Tổng thống Putin hồi tháng Ba vừa rồi và nhiều bước đi của ông khác đã khiến giới lập chính sách của phương Tây liên tục rơi vào trang thái bất ngờ, hoang mang, khó hiểu và dẫn đến nhiều đồn đoán khác nhau về kế hoạch, ý định của Nhà lãnh đạo Nga.
Cuộc tranh cãi mới nhất về việc nên phản ứng ra sao trước động thái quân sự mới của Nga ở Syria phần nào đã phản ánh được sự bất đồng trong nội bộ Washington về việc liệu Tổng thống Putin có thực tâm ủng hộ tiến trình tìm kiếm hoà bình cho Syria do Liên Hợp Quốc chủ trì.
Trong lúc này, vòng đàm phán hoà bình mới nhất về Syria ở Geneva đang gặp trục trặc và phải đối diện với nguy cơ đổ vỡ thêm một lần nữa. Cuộc nội chiến bước sang năm thứ Sáu của Syria lại có nguy cơ kéo dài thêm nữa mà không có triển vọng kết thúc.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc