Philippines "mượn tay" Nhật để thách thức Trung Quốc

11:10, 10/03/2016
|

(VnMedia) - Philippines sẽ thuê của Nhật Bản 5 chiếc máy bay để giúp họ thực hiện các chuyến bay tuần tra ở Biển Đông - nơi đang chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt giữa Manila và Bắc Kinh. Thông tin này do chính Tổng thống Philippines Benigno Aquino công khai tuyên bố ngày hôm qua (9/3). Động thái của Manila được xem là một “đòn” thách thức trong bối cảnh Trung Quốc đang cấp tập mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, gây lo ngại cho cộng đồng thế giới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Kể từ khi các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông leo thang trong những năm gần đây, quân đội Philippines đã tập trung vào mục tiêu bảo vệ lãnh thổ. Manila đã đầu tư 83 tỉ pesos (1,77 tỉ USD) đến năm 2017 để nâng cấp và hiện đại hoá Lực lượng Không quân và Hải quân.

Phát biểu tại một căn cứ không quân ở phía nam thủ đô Manila, Tổng thống Aquino cho biết, ông đã nỗ lực nhiều hơn 3 chính phủ tiền nhiệm để củng cố sức mạnh cho Lực lượng Không quân, tăng số lượng máy bay và trực thăng phục vụ cho mục đích vận chuyển binh lính và quân nhu cũng như để bảo vệ các đường biên giới biển.

"Tất cả những thiết bị, vũ khí mới sẽ giúp chúng ta tăng cường năng lực của Lực lượng Không quân nhằm bảo vệ lãnh thổ”, ông Aquino nhấn mạnh.

Đồng minh Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đề nghị giúp Philippines củng cố năng lực không quân. Tổng thống Aquino cho biết, trong năm nay, Manila sẽ đón nhận hai chiếc máy bay vận tải C130 được tân trang lại từ Mỹ.

"Chúng tôi cũng sẽ thuê của Nhật Bản 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90 nhằm giúp Hải quân trong nhiệm vụ tiến hành các chuyến bay tuần tra ở Biển Đông”, Nhà lãnh đạo Philippines cho biết. Tuy nhiên, ông Aquino không tiết lộ chính xác thời điểm nào họ sẽ tiếp nhận 5 chiếc máy bay từ Nhật Bản.

Về phần Hàn Quốc, nước này đã cung cấp cho Philippines hai chiến đấu cơ hạng nhẹ và sẽ tiếp tục cung cấp thêm 10 chiếc như vậy đến năm 2017. Ngoài ra, chính phủ Philippines cũng sẽ ký hợp đồng mua thêm 6 chiếc máy bay tuần tra tầm xa và 3 hệ thống radar của Hàn Quốc.

Philippines đang cấp tập xúc tiến kế hoạch hiện đại hóa quân đội kéo dài 5 năm với tổng ngân sách lên tới gần 75 tỉ peso. Theo đó, Philippines dự định mua một loạt bệ phóng tên lửa mới, máy bay trực thăng chiến đấu, chiến đấu cơ FA-50, tàu khu trục và các phương tiện tấn công đổ bộ...

Kế hoạch hiện đại hóa quân sự trên được đưa ra xuất phát từ thực tế cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông mỗi lúc một leo thang căng thẳng. Cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh được châm ngòi từ hồi tháng 4 năm 2011 sau cuộc va chạm nảy lửa giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám của Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên hiện diện ở bãi cạn Scarborough và không cho tàu thuyền Philippines đi vào khu vực vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của ngư dân đất nước Đông Nam Á này.

"Chúng tôi hiện đại hóa quân đội không phải bởi vì chúng tôi đang gây chiến với Trung Quốc. Kế hoạch hiện đại hóa này chỉ là sự tiếp nối của kế hoạch ban đầu được đưa ra từ năm 1995 (bị ngắt quãng năm 2010) và chúng tôi không phủ nhận thực tế rằng, chúng tôi phải bảo vệ các quyền của mình ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng kế hoạch của chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu là xây dựng được năng lực răn đe tối thiểu cho quân đội”, một quan chức quân sự cấp cao hàng đầu của Philippines từng phát biểu như vậy.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Cuộc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông là căng thẳng nhất. Ngoài việc tăng cường sức mạnh quân sự, Manila còn củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…. để làm đối trọng với nước láng giềng to lớn Trung Quốc. Song song với đó, Philippines cũng đã chính thức ra đòn pháp lý với Trung Quốc khi đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ra toà án quốc tế.


Ý kiến bạn đọc