(VnMedia) - Nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức hôm qua (2/2) đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng ảnh hưởng của ông để kiềm chế lực lượng ly khai Ukraine. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Nhà lãnh đạo Đức cảnh báo về tình trạng thoả thuận hoà bình Minsk không được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc.
Nữ Thủ tướng Đức Merkel |
Trong một cuộc điện đàm, bà Merkel "đã nói thẳng với Tổng thống Putin rằng, để đạt được tiến bộ hơn nữa trong tiến trình tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn diện” cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các bên cần phải tôn trọng lệnh ngừng bắn và các giám sát viên chịu trách nhiệm giám sát thoả thuận ngừng bắn không bị cản trở trong công việc của mình.
"Ở đây, Nga cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng ly khai”, bà Merkel nhấn mạnh trong tuyên bố được phát đi bởi phát ngôn viên của bà.
Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin diễn ra sau khi Nhà lãnh đạo Đức tiếp đón Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại thủ đô Berlin. Trong cuộc gặp này, Tổng thống Poroshenko đã cáo buộc Nga tiếp tục đưa quân và vũ khí vào nước ông, miêu tả đó là hành động vi phạm thoả thuận ngừng bắn. Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi phương Tây tiếp tục trừng phạt Nga. Lập trường của ông này nhận được sự ủng hộ của bà Merkel.
Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã đạt được thoả thuận hoà bình Minsk ở thủ đô của Belarus hồi tháng 2 năm ngoái. Dù tình trạng bạo lực đã giảm đi đáng kể ở vùng xung đột miền đông Ukraine nhưng các vụ giao tranh, đụng độ giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai vẫn thỉnh thoảng diễn ra.
Ông Poroshenko đổ lỗi cho Nga và lực lượng ly khai về những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, nói rằng hai lực lượng trên đã không tuân thủ thoả thuận ngừng bắn và là “thủ phạm” của 1.200 vụ bắn phá riêng trong tháng 1 vừa rồi.
Kiev và phương Tây luôn cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Nga quyết liệt bác bỏ mọi cáo buộc như trên đồng thời tố ngược lại rằng chính Kiev mới là lực lượng không muốn thực thi thoả thuận Minsk.
Hơn 9.000 người đã thiệt mạng và 20.000 người khác bị thương trong cuộc xung đột ở Ukraine kể từ khi nó bùng lên hồi tháng 4 năm 2014. Đây là con số do Liên Hợp Quốc công bố.
Ý kiến bạn đọc