Bị vũ khí Mỹ vây kín, Nga thất kinh

07:13, 03/02/2016
|

(VnMedia) - Đại sứ quán Nga tại thủ đô Washington hôm qua (2/2) đã lên án kịch liệt việc chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định đầu tư hàng tỉ USD cho kế hoạch đưa phương tiện bọc thép, vũ khí hạng nặng và thiết bị quân sự đến bủa vây Nga.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Theo quan điểm của tôi, những bước đi đó của Mỹ và NATO đang gây bất ổn và gây hại cho an ninh Châu Âu”, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết trong một tuyên bố được gửi đến tạp chí Chính sách Đối ngoại. “Không còn nghi ngờ gì nữa Nga dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có thể bảo vệ các công dân của mình cũng như các lợi ích an ninh quốc gia”.

Những tuyên bố trên được Moscow đưa ra sau khi Lầu Năm Góc hôm qua thông báo về một kế hoạch ngân sách trong đó họ tăng hơn gấp 4 lần nguồn ngân sách dành cho kế hoạch triển khai sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở Châu Âu, từ 800 triệu USD lên 3,4 tỉ USD. Các vũ khí và thiết bị quân sự được triển khai thêm đến một loạt nước xung quanh Nga gồm Ba Lan, Rumani, Hungary, các nước Baltic và một số nước khác. Mục đích của hành động này là nhằm để liên minh quân sự NATO có thể duy trì một sư đoàn thiết giáp đầy đủ ở sát biên giới Nga mọi lúc. Các nước thành viên NATO đang ngày càng tỏ ra lo ngại sau khi xảy ra vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Họ luôn cáo buộc Nga đang trở thành mối đe dọa đối với các nước láng giềng. Nhà Trắng hôm qua cho hay, quyết định tăng ngân sách của họ có mục đích là để “tái đảm bảo với các đồng minh và đối tác trong khu vực về cam kết của họ đối với an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ”.

Tuy nhiên, giới phân tích bên ngoài tỏ ra ngạc nhiên trước quyết định của Lầu Năm Góc về việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu, trong đó có cả những nhân vật diều hâu chống Nga mạnh mẽ như Evelyn Farkas. Bà Farkas từng từ bỏ vị trí là nhà lập chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc hồi tháng 10 năm ngoái sau khi mâu thuẫn với chính quyền của Tổng thống Obama về việc không phản ứng mạnh hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Đây thực sự là một quyết định lớn và người Nga chắc chắn sẽ phải lo ngại”, bà Farkas đã nói như vậy trên tờ New York Times.

Bà Farkas dường như đã đúng. Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng miêu tả nỗ lực của phía Washington là hành động “nhằm làm leo thang căng thẳng mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào”, khẳng định đó là sự vi phạm đối với Dự luật Thành lập Nga-NATO 1997. Dự luật này bao gồm một thỏa thuận quy định rõ các bên không được triển khai lực lượng lớn giữa Nga và các nước thành viên mới của NATO.

Một quan chức cấp cao Mỹ phủ nhận việc hành động của họ “gây đe dọa” đồng thời nhấn mạnh nó phù hợp với thỏa thuận quốc tế vì hoạt động triển khai quân sự của họ là trên cơ sở luân phiên chứ không thường trực.

Thời điểm công bố kế hoạch đưa vũ khí đến bủa vây Nga của Mỹ cũng khiến một số nhà quan sát ngạc nhiên và khó hiểu bởi theo phương Tây, các hành động quân sự của Moscow ở miền đông Ukraine đã giảm đi rất nhiều trong vài tháng qua. Hồi tháng 12, Cao ủy Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền cho biết, “đang có sự giảm đáng kể tình trạng thù địch” ở Ukraine kể từ tháng 8 năm ngoái.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ thừa nhận, kế hoạch mới của họ không phải là để đáp trả hành động gần đây của Nga mà là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền Obama trong môi trường an ninh thay đổi ở Châu Âu.

“Những hành động của chúng tôi là để đổi phó với một môi trường an ninh thay đổi ở Châu Âu cũng như với một loạt thách thức mới mà liên minh đang đối mặt, không chỉ phản ứng với tình hình ở phía đông mà cả phía nam”, vị quan chức trên cho biết thêm.


Ý kiến bạn đọc