(VnMedia) - Các cường quốc phương Tây có lẽ sẽ không tránh khỏi cảm giác sốc và bẽ bàng khi đồng minh mà họ hậu thuẫn lâu nay sẵn sàng “vuốt mặt không nể mũi”, thẳng thừng gạt bỏ mọi công sức, nỗ lực của họ.
Ảnh minh hoạ |
Phe nổi dậy Syria hôm qua (28/1) đã tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc đàm phán hoà bình dự kiến diễn ra ở Geneva, Thuỵ Sỹ, trong ngày hôm nay (29/1). Quyết định này của phe nổi dậy Syria đã phá tan nỗ lực đầu tiên và cũng là lớn nhất của các cường quốc trong 2 năm qua nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến đẫm máu kéo dài gần 5 năm qua ở đất nước Trung Đông.
Một hội đồng của phe nổi dậy Syria họp ở thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út cho biết, phái đoàn của họ “chắc chắn” sẽ không có mặt ở Geneva trong ngày hôm nay vì họ đã không nhận được những câu trả lời thuyết phục đối với yêu cầu của họ về những bước đi thiện chí, trong đó có việc chấm dứt những cuộc không kích và bao vây, phong toả.
Ông George Sabra - một thành viên của Hội đồng Đàm phán Cấp cao (HNC) của phe đối lập Syria, khẳng định: "Chắc chắn, chúng tôi sẽ không đến Geneva và sẽ không có phái đoàn của HNC ở Geneva vào ngày mai”.
Một đại diện khác của phe đối lập Syria cũng tuyên bố, phái đoàn của họ chỉ xuất hiện tại bàn đàm phán nếu các yêu cầu của họ được đáp ứng trong một hoặc hai ngày. Tuy nhiên, cơ hội đó là gần như không thể xảy ra.
Sự khước từ lạnh lùng trên của phe nổi dậy Syria được đưa ra bất chấp việc trước đó Mỹ đã tha thiết thể hiện mong muốn phe nổi dậy hãy đến Geneva.
Mỹ vốn ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và xem cuộc đàm phán lần này là sự khởi đầu của một tiến trình chuyển tiếp mà ở đó sẽ có sự ra đi của Tổng thống Assad. Mỹ đã kêu gọi phe nổi dậy tham gia vào các cuộc đàm phán ở Geneva.
"Chúng tôi tin rằng, phái đoàn của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao và các phe nhóm khác trong phe đối lập ở Syria sẽ chớp lấy cơ hội lịch sử để đến Geneva và đề xuất những cách thức thực tế nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn, giải quyết vấn đề nhân quyền và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin. Và rằng họ nên làm như vậy mà không cần đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh.
Hành động của phe nổi dậy Syria cho thấy, họ rõ ràng không “nể nang” gì những đồng minh hùng mạnh đã hậu thuẫn cho họ suốt bao năm qua. Điều này khiến phương Tây không khỏi cảm thấy mất mặt.
Thất bại trong việc khởi động tiến trình đàm phán hoà bình ở Geneva lần này phản ánh những thách thức to lớn mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt trên con đường tìm kiếm hoà bình cho đất nước Syria trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài gần 5 năm ở nước này vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi.
Quân chính phủ Syria đang trên đà tiến lên mạnh mẽ, đánh chiếm lại được hàng loạt khu vực lãnh thổ từ tay phe nổi dậy. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cho biết, họ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán hoà bình vào lúc này.
Syria đã rơi vào một cuộc nội chiến kể từ năm 2011. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Asssad và bên kia là các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ cho phe đối lập ở Syria.
Từ hôm 30/1, Nga bắt đầu chính thức tham chiến ở Syria bằng việc điều động hàng loạt máy bay chiến đấu đến oanh kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới hiện giờ và là tổ chức khủng bố đang reo rắc nỗi kinh hoàng khắp thế giới. Chiến dịch của Nga tỏ ra rất hiệu quả khi tiêu diệt được một số lượng lớn chiến binh khủng bố đồng thời phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng then chốt của IS.
Tuy nhiên, phương Tây cáo buộc chiến dịch của Nga không phải là nhằm chống lại IS mà mục đích chính là để hậu thuẫn cho quân của ông Assad trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy. Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc này. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, từ khi có sự tham chiến của Nga, quân đội Syria liên tiếp giành chiến thắng như chẻ tre, thay đổi hoàn toàn thế trận trên chiến trường.
Ý kiến bạn đọc