Nga đã khiến Mỹ "ngả mũ bái phục"

07:17, 30/12/2015
|

(VnMedia) - Khi chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria bước vào tháng thứ tư thì giới chức Mỹ cuối cùng cũng buộc phải thừa nhận thành công của Moscow trong cuộc chiến mà Washington “loay hoay như gà mắc tóc”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong suốt chiến dịch không kích của Nga, bắt đầu từ 30/9 đến nay, truyền thông và giới chính khách phương Tây liên tục chỉ trích gay gắt chiến lược của điện Kremlin trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay còn được gọi là Daesh.

"Nỗ lực của Nga và Iran nhằm nâng đỡ, hậu thuẫn cho Tổng thống Assad và cố gắng xoa dịu người dân rồi cũng sẽ mắc kẹt trong một vũng lầy và chẳng có hiệu quả”, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng phát biểu như vậy hôm 2/10.

Tuy nhiên, hiện tại, với những cuộc không kích có hiệu quả không thể phủ nhận của Nga trong cuộc chiến tiêu diệt nhóm khủng bố IS, giới chức Mỹ đã phải miễn cưỡng thừa nhận rằng Moscow đang đạt được mục đích trong cuộc xung đột ở Syria.

"Người Nga không mù quáng lao vào mớ bòng bong này”, một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết, nói thêm rằng họ (Nga) “đang đạt được một số lợi ích ngoài những tổn thất nhỏ”.

Giới chức Mỹ đã chỉ ra thực tế rằng Nga chỉ phải hứng chịu thương vong tối thiểu bất chấp việc nước này đã tiến hành 5.240 cuộc xuất kích kể từ khi bắt đầu chiến dịch đánh IS. Chi phí ước tính mà điện Kremlin phải bỏ ra cho chiến dịch ở mức khiêm tốn là từ 1 đến 2 tỉ USD/năm. Đây là con số hoàn toàn nằm trong khả năng của Nga bởi ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga là 54 tỉ USD.

"Tất cả các con số thống kê hiện nay cho thấy mức độ nỗ lực quân sự của Nga hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đáng kể đến nền kinh tế cũng như ngân sách của Nga”, ông Vasily Kashin – một nhà phân tích thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, cho biết.

"Chiến dịch của Nga có thể được tiến hành như vậy trong nhiều năm”, ông Kashin cho biết thêm.

Theo nhà phân tích Jason Ditz, sự thừa nhận của giới hoài nghi phương Tây đã cho thấy chiến dịch quân sự của Nga đạt hiệu quả như thế nào. "Đây là một sự thừa nhận khó có thể tin được đối với giới chức Mỹ, thậm chí kể cả khi sự thừa nhận đó được đưa ra bởi một quan chức giấu tên bởi Nga mới chỉ tham chiến được có 3 tháng”, ông Ditz phân tích.

Mới đây, Lầu Năm Góc cũng đã công bố một bản báo cáo thể hiện sự kinh ngạc của siêu cường số 1 thế giới trước năng lực hải quân của Nga được thể hiện qua chiến dịch ở Syria.


Ý kiến bạn đọc