Những sự kiện quân sự nổi bật nhất của Nga năm 2015

13:04, 29/12/2015
|

(VnMedia) - Năm 2015 có thể coi là một năm đầy dấu ấn của quân đội Nga với nhiều sự kiện quân sự nổi bật. Hôm qua (28/12), hãng thông tấn Sputnik đã bình chọn một số sự kiện quân sự quan trọng nhất thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội của Nga trong năm 2015.

Màn phô diễn hàng loạt vũ khí và khí tài quân sự hiện đại trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, Nga đã tổ chức lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm Ngày Chiến thắng, một trong chiến thắng vĩ đại nhất của quân đội Nga, tại Quảng trường Đỏ. Lễ duyệt binh có sự tham gia 16.000 binh lính, 143 máy bay quân sự và trực thăng cùng 194 phương tiện khí tài hạng nặng. Ngoài ra, cuộc tập trận còn có sự góp mặt của các hệ thống tên lửa đình đám của Nga như hệ thống tên lửa Yars, hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, hệ thống lựu pháo tự hành Msta-S cũng như các hệ thống phòng không hiện đại như Tor-M2U, Pantsir-S1, và S-400 Triumf.

Lễ duyệt binh còn có sự hiện diện của các loại xe tăng thiết giáp “khủng” của quân đội Nga như xe tăng T-90, BTR-82A, Rakushka và xe bọc thép chở binh lính BMD-4M.

Đặc biệt, lễ duyệt binh còn đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của siêu xe tăng chiến đấu chủ lực T14 Armata. Đây là loại xe tăng có những tính năng vượt trội khiến nó trở thành thứ vũ khí “độc cô cầu bại” so với vũ khí cùng loại của phương Tây.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria

Ngày 30/9, theo lời đề nghị từ chính quyền Syria, Không quân Nga đã chính thức triển khai chiến dịch không kích tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Theo đó, Nga đã điều một đơn vị đặc nhiệm tới căn cứ không quân Hmeymim, gần tỉnh Latakia. Để đảm bảo các nguồn cung cấp cho căn cứ không quân này, Nga đã sử dụng nhiều tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen. Bên cạnh đó, Nga còn điều động thêm 8 tàu hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, phi đội gồm 12 máy bom ném bom chiến lược Su-24M, 12 máy bay tấn công mặt đất Su-25SM, 4 máy bay chiến đấu Su-30SM, 6 máy bay ném bom Su-34 cùng nhiều trực thăng tấn công Mi-24 và Mi-8AMTSh đã triển khai các đợt không kích dữ dội nhằm vào các sào huyệt của IS. Ngoài ra, hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 và một tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 cũng được triển khai tới căn cứ trên.

Đến sáng ngày 7/10, các tàu chiến thuộc pháo đài Caspian đã bắn 26 quả tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt các mục tiêu Daesh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội Nga đưa tên lửa hành trình vào tham chiến.

Đến ngày 20/10, Nga và Lầu Năm Góc đã ký biên bản ghi nhớ nhằm tránh va chạm giữa máy bay hai bên trên không phận Syria.

Ngày 17/11, các máy bay ném bom tầm xa của Nga Tu-22M3, Tu-160 và Tu-95 đã tổ chức không kích quy mô lớn tiêu diệt các cơ sở sản xuất dầu mỏ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tổng cộng 34 quả tên lửa hành trình Kh-101 đã được phóng đi.

Ngày 18/11, các máy bay ném bom Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3 đã tiến hành loạt trận oanh kích dữ dội nhằm vào 206 mục tiêu Daesh.

Bộ Tổng tham mưu Nga sau đó đã tái cũng cố lực lượng đặc nhiệm ở Syria bằng cách điều thêm 69 chiến đấu cơ tới mặt trận này.

Bên cạnh đó, đơn vị không quân của Nga ở Syria còn được yểm trợ bởi 4 tàu chiến thuộc Đội tàu Caspian và 6 tàu chiến thuộc Hải quân Nga đang hoạt động tại Địa Trung Hải.

Hai ngày sau đó, ngày 20/11, Đội tàu Caspian của Nga đã bắn thêm 18 quả tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu IS.

Ngày 7/12, Nga lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm Rostov-on-Don. Tổng cộng, Nga đã sử dụng 1.400 tấn bom đạn và 101 quả tên lửa hành trình tiêu diệt các mục tiêu IS trong chiến dịch.

Thành lập quân chủng mới thuộc Lực lượng vũ trang Nga

Ngày 1/8, Nga tuyên bố thành lập Lực lượng Không gian vũ trụ. Cùng ngày, Trung tâm chỉ huy của lực lượng trên cũng được thành lập và được đặt vào vị trí sẵn sàng trực chiến.

Không chỉ điều hành lực lượng trên, trung tâm chỉ huy này cũng chỉ quản lý và điều hành Không quân Nga, Lực lượng quốc phòng và Phòng thủ tên lửa với mục tiêu bảo vệ không phận Nga, chỉ huy các đợt phóng tên lửa cũng như vận hành nhóm vệ tinh Nga. Thượng tướng Viktor Bondarev được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Tư lệnh Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga.

6 căn cứ quân sự mới được xây dựng ở Bắc Cực

Tháng 1/2015, việc chuẩn bị cho việc thành lập một số căn cứ quân sự mới cho Hạm đội phương Bắc đã được hoàn tất. Ngay sau đó, Sở chỉ huy chiến lược phương Bắc đã được thành lập để bảo vệ lợi ích của Nga tại vùng Bắc Cực, bao gồm Lực lượng Hạm đội phương Bắc và các đơn vị trực thuộc Lực lượng không gian vũ trụ và Lục quân Nga.

Hiện, có 6 căn cứ quân sự mới đã sẵn sàng hoạt động, gồm căn cứ trên các đảo Kotelny, Alexandra, Sredny và ngôi làng Rogachevo, trên mũi Otto Schmidt và đảo Wrangel.


Ý kiến bạn đọc