(VnMedia) - Tiếp tục bị NATO khiêu khích quá đà, ngày một lấn sâu vào sát sườn, “gấu” Nga nổi giận đùng đùng, lên tiếng đe doạ đáp trả.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg |
Nga hôm qua (2/12) tuyên bố, nước này sẽ buộc phải đáp trả kế hoạch mở rộng của NATO, sau khi liên minh quân sự Bắc Đại tây Dương do Mỹ dẫn đầu có lời mời Montenegro - một nước láng giềng của Nga, gia nhập vào tổ chức của họ, trở thành thành viên thứ 29 của NATO.
Lời mời của NATO dành cho quốc gia Balkan nhỏ bé được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang đối đầu căng thẳng với Moscow vì một loạt vấn đề. Đặc biệt, liên minh quân sự phương Tây đang phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng việc tăng cường hiện diện quân sự ở sát nách Nga đồng thời liên tục trấn an các nước cựu Xô-viết rằng họ không việc gì phải lo sợ trước một nước Nga ngày càng mạnh hơn.
"Ở mọi cấp độ khác nhau, Moscow luôn luôn chú ý đến kế hoạch mở rộng liên tiếp của NATO về phía đông. Kế hoạch đó không thể dẫn đến việc gì khác ngoài những đòn đáp trả từ phía Nga vì lợi ích của việc đảm bảo an ninh và sự công bằng đối với các lợi ích của chúng tôi”, phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov phát biểu với cánh phóng viên.
Trước đó, khi thông báo về động thái mới tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ở thủ đô Brussels của Bỉ, Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng, lời mời “lịch sử” của liên minh này dành cho Montenegro không phải là việc của bất kỳ ai khác ngoài NATO và cũng “không nhằm vào bất kỳ ai”.
"Sẽ vô cùng quan trọng để nhấn mạnh một lần nữa rằng, tất cả các quốc gia có quyền quyết định con đường riêng của mình cũng như quyết định những sự sắp xếp an ninh của riêng mình”, ông Stoltenberg khẳng định đồng thời tuyên bố thêm rằng, “không ai khác có quyền can thiệp vào quyết định đó”.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ trích gay gắt việc NATO liên tiếp bành trướng về phía đông – một kế hoạch được Moscow xem là hành động nhằm bao vây, phong toả Nga.
Tuần trước, Moscow đã lên án ý định của NATO trong việc mời Montenegro gia nhập liên minh, miêu tả đó là “một cú giáng nghiêm trọng vào khối Châu Âu-Đại Tây Dương”.
"Kiểu sáng kiến đó gây ra viễn cảnh đối đầu thực sự. Nó sẽ chẳng giúp tăng cường hoà bình và sự ổn định ở vùng Balkan nói riêng cũng như cả Châu Âu nói chung”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Moscow tin rằng, hành động của NATO sẽ “chỉ làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương giữa Nga với liên minh này”.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh với nguyên nhân xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, kích động cuộc nội chiến đẫm máu cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người ở miền đông Ukraine.
Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn ngấp nghé ý định mời một loạt nước láng giềng Nga tham gia vào liên minh.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.
Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Ngoài ra, việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động đáp trả.
Trong một động thái thể hiện sự tức giận lên tới mức đỉnh điểm trước sự bành trướng quân sự của NATO mà Nga miêu tả là hành động nguy hiểm chưa từng có, Moscow hồi tháng 4 đã tung ra cảnh báo đáng sợ nhất từ trước đến nay. Theo đó, Moscow thẳng thừng tuyên bố sẽ sử dụng “lực lượng hạt nhân chống lại NATO nếu liên minh này dám đưa quân đến các nước vùng Baltic” - khu vực vốn được coi là sân sau của Nga.
Rõ ràng, nhìn vào những diễn biến như trên, người ta có thể thấy, cuộc đối đầu giữa Nga và NATO đang hết sức nóng bỏng và có thể bùng phát thành xung đột bất kỳ lúc nào nếu các bên không hành động một cách kiềm chế và thận trọng.
Ý kiến bạn đọc