Sau cầu cứu, Trung Quốc bắt đầu xung trận

20:09, 18/11/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc mới đây đã lên tiếng “cầu cứu” cộng đồng quốc tế giúp họ chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo ở trong nước. Tuy nhiên, sau lời cầu cứu, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng xung trận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua (17/11) tuyên bố, Trung Quốc ủng hộ hoàn toàn mọi nỗ lực chống khủng bố của Nga cũng như các hành động của Nga trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Trung Quốc cũng sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Theo lời ông Hồng Lỗi, Trung Quốc đã sẵn sàng bắt tay với Nga cũng như với toàn thể cộng đồng thế giới để cùng tham gia vào cuộc chiến nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.

“Bắc Kinh là một đối tác chiến lược toàn diện với Nga, vì thế Trung Quốc ủng hộ hoàn toàn mọi nỗ lực chống khủng bố của Nga nhằm bảo vệ sự ổn định và an ninh quốc gia. Trung Quốc cũng ủng hộ các biện pháp chống khủng bố của Nga”, ông Hồng Lỗi nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này đã sẵn sàng “hợp tác với Nga và toàn bộ cộng đồng thế giới trong việc tăng cường sự phối hợp nhằm bảo vệ an ninh cũng như cùng chiến đấu chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố”.

Trước đó, Trung Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ nước này trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo ở khu vực Tân Cương xa xôi, nằm về phía cực tây của Trung Quốc. Bắc Kinh thực sự đang tìm kiếm sự hậu thuẫn cho chính “cuộc chiến chống khủng bố” của riêng họ sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào thủ đô Paris của nước Pháp hồi cuối tuần vừa rồi.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc “cầu cứu” sự giúp đỡ của phương Tây. Hồi tháng 8, Trung Quốc từng khẩn khoản đưa ra một yêu cầu tương tự với Mỹ. Khi đó, để thuyết phục Mỹ, Bắc Kinh nói rằng lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Tân Cương cũng là mối đe doạ đối với siêu cường số 1 thế giới.

Hàng trăm người đã thiệt mạng trong những cuộc xung đột, lộn xộn ở Tân Cương trong 3 năm trở lại đây. Bắc Kinh tố cáo, tình trạng này là do lực lượng chiến binh Hồi giáo, cụ thể là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) gây ra. ETIM là một nhóm bị Washington liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.

Các quan chức Trung Quốc tin rằng, ETIM đã tuyển mộ những người Duy Ngô Nhĩ - một nhóm người thiểu số phần lớn theo đạo Hồi đến từ Tân Cương, và đào tạo họ cùng với những thành phần cực đoan ở Syria và Iraq. Mục đích của hoạt động này là sau khi huấn luyện xong, lực lượng chiến binh sẽ được đưa trở lại Trung Quốc để phát động cuộc chiến tranh thần thánh.

Bắc Kinh bắt đầu tăng cường các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố sau loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây.

Có thể nói, dù Trung Quốc đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ nhưng nước này đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có từ chủ nghĩa khủng bố, cực đoan. Năm 2014 chứng kiến Trung Quốc liên tục trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng, đẫm máu. Người ta tin rằng, chủ nghĩa khủng bố giờ đây đang là mối đe doạ hàng đầu, thách thức hàng đầu đối với cường quốc số 1 Châu Á.

Vào ngày đầu tiên của tháng 3 năm ngoái, cả đất nước Trung Quốc rúng động trước tin 31 dân thường thiệt mạng và hơn 130 người khác bị thương trong một trong những vụ tấn công khủng bố đáng sợ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vụ tấn công này xảy ra ở một khu vực nhà ga ở thành phố Côn Minh, phía tây nam đất nước. Hơn 10 tên khủng bố đã điên cuồng dùng dao đâm chém người dân đang tụ tập ở khu vực phòng chờ và phòng vé của Nhà Ga Đường sắt Côn Minh.

Hai tháng sau, vào ngày 22/5, một vụ tấn công khủng bố bằng chất nổ lại xảy ra, cướp đi sinh mạng của 31 người và làm hơn 90 người khác bị thương. Vụ tấn công này xảy ra tại một khu chợ đông đúc ở khu vực Tân Cương bất ổn. Tiếp đó, hôm 28/7/2014, một nhóm khủng bố dùng dao và rìu giết hại 37 dân thường ở Shache, quận Kashagar cũng ở Tân Cương. Chưa dừng lại ở đó, vào một trong những ngày cuối cùng của tháng 11, Trung Quốc tiếp tục phải hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng khác, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Vụ tấn công này cũng xảy ra ở khu vực tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Loạt vụ tấn công khủng bố liên tiếp nói trên với mức độ kinh hoàng ngày càng tăng đã phơi bày một thực tế ớn lạnh là Trung Quốc đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố thực sự đáng sợ. Thậm chí, đã có lúc những kẻ khủng bố còn táo tợn thực hiện cuộc tấn công thẳng vào thủ đô Bắc Kinh. Còn nhớ vào tháng 10 năm 2013, một chiếc xe jeep chở những kẻ khủng bố cũng đã đâm thẳng vào du khách ở Quảng trường Thiên An Môn giữa trung tâm thủ đô Bắc Kinh, khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương.

Các cuộc tấn công khủng bố phần lớn đều có liên quan đến lực lượng ly khai Tân Cương. Từ lâu lực lượng ly khai Tân Cương đã là một trong những vấn đề gây đau đầu hàng đầu đối với giới chức ở thủ đô Bắc Kinh.


Ý kiến bạn đọc