(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (17/11) lại có hành động chọc tức Trung Quốc khi tiếp tục thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Tổng thống Obama lại thách thức Trung Quốc |
Với chiếc tàu chiến sừng sững ở đằng sau, Tổng thống Barack Obama hôm qua thông báo, Mỹ sẽ bàn giao hai chiếc tàu chiến cho Hải quân Philippines để giúp đồng minh của họ tăng cường năng lực bảo đảm an ninh hàng hải. Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm thể hiện Mỹ và các đồng minh chẳng hề e ngại Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở các vùng biển trong khu vực Châu Á.
Theo ông chủ Nhà Trắng, hai chiếc tàu sắp được giao cho Philippines là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Mỹ nhằm tăng cường sự hậu thuẫn cho các lực lượng hải quân ở Đông Nam Á. Có 4 quốc gia Đông Nam Á hiện đang tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với Trung Quốc và các nước này đang cảm thấy bị đe dọa bởi những quyết sách và hành động ngày một hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở biển Đông.
Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ có “cam kết sắt đá” với Philippines - một hiệp ước an ninh – và một cam kết chung về sự tự do hàng hải ở Biển Đông.
"Ngày càng nhiều lực lượng hải quân mạnh phối hợp với Mỹ là điều vô cùng quan trọng đối với an ninh của khu vực”, ông Obama đã nói như vậy trong bài phát biểu mở màn chuyến công du kéo dài 6 ngày đến Philippines và Malaysia. Tổng thống Mỹ tin rằng, hai chiếc tàu mà họ sắp bàn giao cho Philippines sẽ giúp nước này tăng cường các cuộc điều tra ở những vùng biển thuộc Biển Đông.
Tổng thống Obama không hề đả động đến bất kỳ từ Trung Quốc nào trong bài phát biểu được ông đưa ra trước con tàu BRP Gregorio del Pilar - chiếc tàu khu trục từng là của Mỹ và sau đó đã được bàn giao cho Philippines. Tuy nhiên, thông điệp mà ông Obama đưa ra thực sự rõ ràng. Khi căng thẳng trong khu vực leo thang vì các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ thường tìm những cách thức mang tính biểu tượng để chống lại các đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực mà không bao giờ đối đầu trực tiếp với cường quốc Châu Á. Tuy nhiên, càng gần đây, Mỹ càng thể hiện sự phản đối công khai hơn, thẳng thắn hơn và trực diện hơn đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên thăm tàu sân bay Mỹ khi con tàu này hiện diện ở Biển Đông. Chuyến thăm diễn ra chỉ một tuần sau khi Hải quân Mỹ vừa thách thức Trung Quốc bằng việc đưa tàu chiến vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Với thông báo được đưa ra ở trên về hai chiếc tàu, ông Obama rõ ràng muốn thể hiện nỗ lực của mình trong việc củng cố hơn nữa các mối quan hệ liên minh trong khu vực và từ đó tăng cường ảnh hưởng của Mỹ. “Bạn có thể trông chờ vào Mỹ”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.
Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Ý kiến bạn đọc