"Nữ hoàng tra tấn CIA" có thể bị truy tố ở Đức

16:55, 20/10/2015
|

Hôm 19/10, một nhóm nhân quyền ở Đức đệ đơn kiện bà Alfreda Frances Bikowsky, một đặc vụ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được mệnh danh là “Nữ hoàng tra tấn”.

Trong đơn kiện gửi tòa án liên bang Đức, nhóm Chương trình Trách nhiệm và Tội phạm Quốc tế (ICAP) thuộc Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền châu Âu (ECCHR) yêu cầu buộc tội bà Bikowsky trong vụ bắt cóc và tra tấn công dân Đức Khaled El Masri năm 2003. Khi đó, ông El Masri bị CIA nhầm là thành viên al-Qaeda tham gia vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Ông Khaled El Masri (giữa). Ảnh: AP
Ông Khaled El Masri (giữa). Ảnh: AP

Người này sau đó bị bắt và bị tra tấn suốt 23 ngày mặc dù bà Bikowsky được cảnh báo rằng họ đã bắt sai người. Tiếp đến, CIA chuyển ông El Masri tới Afghanistan – nơi ông đối mặt với các cuộc tra tấn bạo lực hơn trong 4 tháng trước khi trở về nước.

Giám đốc ECCHR Andreas Schüller cho đài Al Jazeera biết tòa án Đức đã ra lệnh bắt giữ những người vận chuyển ông El Masri trên chuyến bay tới Afghanistan.

Theo ECCHR, bà Bikowsky bị cáo buộc trực tiếp tham gia tra tấn tù nhân của CIA, trích báo cáo tra tấn của Thượng viện Mỹ và báo cáo của một số phóng viên điều tra.

Dù vậy, nếu tòa án liên bang Đức chấp thuận đơn khiếu nại, bà Bikowsky cũng sẽ không bị bắt giữ. Thay vào đó, ECCHR sẽ liên hệ các cơ quan hải quan nước ngoài để yêu cầu giam giữ bà này khiến công việc của bà Bikowsky bên ngoài nước Mỹ có thể bị cản trở.

Trong trường hợp công tố viên liên bang từ chối truy tố bà Bikowsky, ECCHR sẽ nộp đơn khiếu nại lên các công tố viên TP Munich, những người đã ra lệnh bắt 13 quan chức CIA tham gia vào hành động tra tấn ông El Masri.

Phóng sự điều tra của nhà báo Jane Mayer đăng trên tờ The New Yorkertừng tiết lộ những sự thật gây sốc về “Nữ hoàng tra tấn CIA”. Cụ thể, bà Bikowsky đã bỏ qua những thông tin hữu ích trước vụ tấn công đẫm máu ngày 11-9-2001, trong khi nếu để tâm, vụ khủng bố có lẽ không gây ra hậu quả nặng nề đến vậy.

Ngoài ra, bà còn trực tiếp tham gia tra tấn tù nhân, hiểu sai thông tin tình báo dẫn đến cuộc săn lùng tổ chức al-Qaeda ở Montana của lực lượng Mỹ trở nên xôi hỏng bỏng không. Bên cạnh đó, nữ điệp viên CIA còn là tác giả của nhiều “phương pháp thẩm vấn tăng cường” để moi thông tin từ tù nhân và đích thân tham gia vụ trấn nước nghi phạm 11-9 Khaled Sheikh Mohammed ở một nhà tù bí mật tại Ba Lan.

Trong khi ông Khalid al-Masri bị đưa tới giam ở Afghanistan để “thẩm vấn”, nghi phạm cùng tên với ông này đang bị CIA truy nã lại không phải là người Đức. 5 tháng sau, Al-Masri “giả” mới được trả tự do và bồi thường thiệt hại.

(Theo NLĐ)


Ý kiến bạn đọc