Thép, nhôm và đồng giả chất lượng do Kobe Steel cung cấp cho các hãng ôtô gồm Toyota, Honda, Nissan... để sản xuất một số bộ phận trên xe, hãng tin Bloomberg khẳng định.
Người đứng đầu của Kobe Steel, hãng thép lớn thứ 3 Nhật Bản, thừa nhận đã làm giả dữ liệu chất lượng của thép, nhôm và đồng để cung cấp cho các hãng xe lớn như Toyota, Honda, Subaru...
Theo Bloomberg, Kobe Steel đã sử dụng dữ liệu giả về độ cứng và độ dẻo của nhôm, đồng để cung cấp cho các hãng xe sản xuất một số bộ phận.
Trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017, khoảng 4% vật liệu giả chất lượng đã được chuyển cho các khách hàng lớn gồm Toyota, Honda và Nissan. Người phát ngôn của Kobe Steel cho biết đã liên hệ với các khách hàng này để nói về việc hàng nghìn tấn vật liệu không đúng quy cách đã được họ bàn giao.
Đại diện của Toyota xác nhận thông tin sử dụng vật liệu không đúng quy cách do Kobe Steel cung cấp để sản xuất cửa sau, nắp capo và một số bộ phận khác. Hiện tại, hãng xe này đang điều tra xem dòng xe nào chịu ảnh hưởng từ đợt vật liệu kém chất lượng này.
Trong khi đó, người phát ngôn của Honda và Nissan cũng xác nhận họ đã sử dụng vật liệu không đúng quy cách từ Kobe Steel để sản xuất xe và đang trong quá trình đánh giá chi tiết hơn.
Theo báo cáo mới nhất từ Kobe Steel, hơn 11.000 tấn thép, đồng và nhôm giả chất lượng do doanh nghiệp này cùng các chi nhánh tại Nhật, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sản xuất, đã được chuyển đến khách hàng.
Vật liệu không đúng quy cách của Kobe Steel gồm ống hợp kim đồng, sợi thép đã được sử dụng để sản xuất lốp xe và động cơ trên các sản phẩm của đối tác.
Kobe Steel là hãng thép lớn thứ 3 Nhật Bản, cung cấp vật liệu cho các hãng ôtô, máy bay, với doanh thu hàng năm khoảng 15 tỷ USD. Công ty này đã mất khoảng 1 tỷ USD giá trị trên thị trường chứng khoán hôm thứ 3, sau khi vụ bê bối này được phát hiện.
Đây là vụ bê bối lớn thứ 3 dính đến ngành công nghiệp ôtô trong 3 năm nay, cùng với bê bối gian lận khí thái và túi khi kém chất lượng của Takata.
Trước đó, công ty chuyên sản xuất túi khí Takata đã phải tuyên bố phá sản khi sản phẩm của hãng làm 11 người chết, khiến hàng chục triệu chiếc ôtô của nhiều hãng phải triệu hồi.
(Theo Zing)
Ý kiến bạn đọc