(VnMedia) - Trong thời đại bùng nổ mạnh mẽ của Internet, các thiết bị di động đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Tuy nhiên, nó cũng đem lại những rủi ro tiềm ẩn rất lớn khi tham gia giao thông.
Theo một nghiên cứu gần đây của Ford với các lái xe tại Việt Nam, việc liên tục sử dụng điện thoại di động đã khiến các bạn trẻ dễ dàng mất tập trung khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo số liệu thu được, có tới 82% các bậc phụ huynh và hơn 87% giới trẻ tại Việt Nam thừa nhận rằng bản thân hoặc người quen của mình đã từng gặp phải tai nạn giao thông do mất tập trung khi đang lái xe.
Trong khi đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nữ giới là đối tượng có tần suất sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông lớn nhất với 49% trong số họ không sử dụng các thiết bị kết nối rảnh tay, 31% sử dụng mạng xã hội và 33% thường xuyên bị xao nhãng bởi người đi đường. Đây là những con số rất đáng báo động, bởi so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có đến 99% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ từng tham gia các khóa đào tạo và biết rất rõ tác hại của việc lái xe mất tập trung.
Cuộc khảo sát được thực hiện nhằm thu thập dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu về hành vi và thói quen lái xe thiếu tập trung của người tham gia giao thông. Cynthia Williams, Kỹ sư về an toàn, môi trường và phát triển bền vững của Ford, cho biết: “Ford cam kết sẽ hỗ trợ giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng lái xe an toàn cho người lái trong khu vực. Điện thoại di động không chỉ gây xao nhãng, chúng thực sự là mối đe dọa đối với sự an toàn của người lái xe khi tham gia giao thông”.
Sử dụng điện thoại di động sẽ làm giảm tốc độ phản ứng của người lái xe, đặc biệt là khả năng thực hiện thao tác phanh và phản ứng với đèn tín hiệu. Điều này sẽ khiến lái xe gặp khó khăn trong việc giữ đúng làn đường và duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước. Nếu bạn đang lái xe với vận tốc 100km/h, và xao nhãng 10s để gửi một tin nhắn, trong thời gian đó, chiếc xe của bạn đã đi một quãng đường lên tới 280m và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tại nạn. Ngoài điện thoại, những nguyên nhân tiếp theo lần lượt là “Những người tham gia giao thông khác” và “Trang điểm”. Có tới 38% lái xe tại Việt Nam thừa nhận rằng không thể từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại di động kể cả khi đang cầm lái.
Trong số những người sử dụng điện thoại khi đang lái xe, 61% người lái xe dùng để gọi điện thoại cho bạn bè và người thân, 57% để nhận các cuộc gọi và email liên quan đến công việc và 46% để giết thời gian khi tắc đường hoặc dừng chờ đèn đỏ. Sự buồn chán cũng được coi là một nguyên nhân chủ chốt gây ra tình trạng này, 17% số người được khảo sát thừa nhận họ chỉ sử dụng điện thoại vì “quá chán và chẳng có việc gì khác để làm”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1,25 triệu người thiệt mạng và từ 20 đến 50 triệu người khác bị thương bởi tai nạn giao thông. Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trước thực trạng đáng ngại ấy, nhiều hãng xe bên cạnh việc mở rộng đào tạo kĩ năng lái, cũng đồng thời tập trung phát triển các công nghệ hiện đại và tiên tiến giúp giảm thiểu sự mất tập trung gây ra bởi điện thoại di động. Trong đó, Ford là một ví dụ. SYNC 3 – hệ thống kết nối trên xe hơi của hãng, cho phép người lái nhận các cuộc gọi, nhắn tin, nghe nhạc và khởi động các ứng dụng hỗ trợ mà không gây xao nhãng khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, nhiều thương hiệu cũng khởi động chiến dịch nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân viên, khách hàng cũng như của cộng đồng dân cư tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương về những nguy hiểm do thói quen mất tập trung khi lái xe gây ra. Với chiến dịch này, Ford khuyến khích người dùng giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại di động để thực sự kết nối với cuộc sống xung quanh.
“Ngày nay, ai cũng muốn kết nối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, kể cả khi đang tham gia giao thông.” Williams chia sẻ: “Đây chính là cơ hội để các công nghệ thông minh thể hiện tính hữu ích của mình, giúp lái xe kết nối với những người xung quanh nhưng vẫn giữ được sự tập trung cần thiết khi cầm lái. Với việc phát triển các công nghệ hỗ trợ người lái và tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng lái xe, Ford không ngừng đề cao vai trò của thói quen lái xe có trách nhiệm để góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn hơn.”
Nguyễn Thúc Hoàng Linh
Ý kiến bạn đọc