(VnMedia) – Theo ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương, đến thời điểm này, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã có chuyển biến ban đầu rất tốt, đặc biệt là nhóm dự án 4 nhà máy phân bón, đã đi vào sản xuất trở lại, có hiệu quả. Hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực.
Sẽ có phương án xử lý triệt để các dự án yếu kém
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến câu hỏi về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương.
Theo đó, có 12 dự án cần phải xem xét gồm: 4 dự án sản xuất phân bón; 3 dự án sản xuất nguyên liệu sinh học; 2 nhà máy sản xuất thép; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ; Nhà máy Đóng tàu Dung Quất; Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
Theo ông Hưng, 7 tháng qua, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rất sát sao và đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực.
“Từ 17/12/2016 đến 16/01/2017, trong vòng 1 tháng, Ban chỉ đạo đã làm việc với 9/12 dự án, với từng Giám đốc, quản đốc phân xưởng... để nắm được tình hình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để có chỉ đạo, xử lý. Từ đó đến nay, có gần 200 văn bản chỉ đạo rất sát đối với từng vấn đề, từng dự án”, ông Hưng thông tin.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, đến thời điểm này, trên cơ sở chỉ đạo, tháo gỡ của Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương, một số dự án đã có chuyển biến ban đầu rất tốt, đặc biệt là nhóm dự án 4 nhà máy phân bón, đã đi vào sản xuất trở lại, có hiệu quả. Ngoài ra, hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho. Thời gian tới sẽ còn nhiều vấn đề tiếp tục phải triển khai.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch nhấn mạnh, nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên của Thủ tướng cũng như của Ban chỉ đạo là làm cho Dự án tốt lên, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng của từng Dự án. Nguyên tắc thứ hai là ngay lập tức các Tập đoàn, Tổng công ty, các chủ đầu tư, Nhà máy của các Dự án phải nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này Bộ Công Thương đã có chỉ đạo trực tiếp và rất sát sao.
“Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, của Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo... theo đúng các tiêu chí, mục tiêu đặt ra. Theo lộ trình như vậy, trong tháng 7 Bộ Công Thương sẽ có phương án trình Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về các phương án xử lý triệt để các dự án”, ông Hưng nhấn mạnh.
Sabeco và Habeco đang thực hiện các thủ tục để thoái vốn nhà nước
Cũng liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, trả lời câu hỏi của PV về 4 đề án tái cơ cấu của 4 Tập đoàn thuộc quản lý của Bộ Công Thương, bà Vũ Thị Hoa - Phó Vụ trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp cho biết, Bộ hiện đã trình Thủ tướng đề án của 3 Tập đoàn là Dầu khí, Hóa chất và Điện lực. Riêng còn 1 Đề án của Tập đoàn TKV hiện Bộ đang hoàn thiện và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7.
Cũng theo bà Hoa, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Bộ Công Thương sẽ chính thức làm việc cụ thể với các đơn vị.
Riêng đối với 2 Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã chỉ đạo Sabeco, Habeco thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Sabeco và Habeco đã hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Sabeco và Habeco tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn nhà nước báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện Sabeco và Habeco đang thực hiện các thủ tục để thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thông tin Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện Bộ đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.
Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam, Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Xây lắp và Vật liệu xây dựng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này chuẩn bị hồ sơ để bàn giao quyền chủ sở hữu vốn nhà nước cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9091/VPCP-ĐMDN ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc