Venice - một thành phố lãng mạn từ thời Trung cổ. Cảnh vật ở đây hầu như không thay đổi suốt 6 thế kỷ qua, thế nhưng thành phố này lại đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi nước lũ. Các nhà quản lý đã phải làm gì để đối phó?
Venice luôn là thành phố lãng mạn. (Ảnh: Internet) |
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận thành phố Venice và hệ thống kênh rạch trong thành phố là Di sản văn hóa thế giới năm 1987.
Đây từng là một trung tâm kinh tế của thế giới trong thời Trung cổ với 250.000 dân. Venice nằm trong danh sách Di sản thế giới nhờ sự độc nhất vô nhị gồm những công trình nghệ thuật, kiến trúc trên đảo cùng hệ thống đầm phá Venetian bao quanh.
Venice còn được gọi là “thành phố chung sống với lũ”. (Ảnh: Internet) |
Những ngôi nhà, những công trình đồ sộ xây cạnh kênh rạch, những cây cầu và những con kênh kết nối nên nơi đây được xem là thành phố đẹp nhất do con người xây dựng.
Tuy nhiên, Venice được mệnh danh “thành phố sống với lũ” bởi có mùa nước nổi, nước dâng cao tràn lên bờ kênh, ngập những con đường quanh thành phố. Trong quá khứ, khi có lụt, người dân phải di chuyển bằng sàn đi di động.
Theo địa hình, nước từ biển Adriatic đi vào phá theo ba cửa là Lido, Malamoco và Chioggia. Ngập lụt ngày càng tồi tệ hơn. Năm 1966, trận lụt lịch sử khi nước dâng cao lên đến 1,94m và năm 1997, Venice phải hứng chịu tổng cộng 100 cơn lụt lớn nhỏ.
Vị trí ba cửa Lido, Malamoco và Chioggia để chặn nước biển Adriatic đi vào phá. (Ảnh: Daily Mail). |
Mỗi năm Venice lún xuống 0,4mm. Đồng thời, nước biển lại dâng cao thêm 1,4mm. Tổng cộng, mỗi năm Venice bị chìm xuống dưới mực nước 2mm. Thống kê trong thế kỷ 20, Venice bị lún xuống 23cm. Ngày nay, theo dự báo của các chuyên gia, thành phố có nguy cơ bị xóa sổ bởi nước biển nếu như không có biện pháp đúng đắn.
Để bảo vệ Venice, Ý đã phải tốn bao công của và thời gian để quyết định chi khoảng hơn 7 tỉ USD khởi công Mose. Đó là một đê chắn sóng biển nổi - tại ba vị trí cửa Lido, Malamoco và Chioggia. Công trình bắt đầu bằng việc xây móng, gồm những thanh bê tông cốt thép dài 38m, đường kính 0,5m, rộng 20m, chôn vào lòng biển.
79 cổng được đặt tại Lido, Malamoco và Chioggia. Mỗi cổng dài 30m, rộng 20m và cao từ 4-5m. Cửa Lido là cửa lớn nhất và ở giữa phải xây một hòn đảo nhân tạo. Cánh cổng được đặt nằm và cố định vào móng bằng hệ thống bản lề khổng lồ có camera.
Khi có dự báo ngập lụt trên 1,1m, các chuyên gia sẽ dùng máy bơm đẩy hết nước ra ngoài và thay vào bên trong từng cánh cổng không khí nén. Trong vòng 30 phút, không khí nhẹ khiến cánh cổng nổi lên, tạo thành đê chắn góc 45 độ với mặt biển.
Công trình này dự kiến hoạt động trong 100 năm có khả năng chống lại những con sóng cao đến 3m. Với đầu tư như vậy, Chính phủ nước Ý quyết tâm không để thiên tai nhấn chìm trong biển nước và cả thế giới đều hy vọng đó là sự đầu tư đúng đắn để Venice được sống mãi với thời gian!
(Tài liệu tham khảo: Urban Planning; Venice and its sollutions for flooding; Venice)
Theo Báo Xây dựng
Ý kiến bạn đọc