(VnMedia) - Dựa trên những tiêu chí quan trọng nhất như tính ổn định, hệ thống y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng… tạp chí kinh tế đã lựa chọn ra 10 thành phố đáng sống nhất thế giới trong năm 2016.
Melbourne lần thứ 6 liên tiếp có tên trong danh sách
Chiếu theo những tiêu chí trên, thành phố Melbourne của Australia đứng đầu trong danh sách này đồng thời ghi tên mình có mặt trong top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp với tổng số điểm 97,5, vượt qua thành phố Vienna của Áo với số điểm sít sao 0,1.
Thành phố Melbourne dẫn đầu danh sách thành phố đáng sống nhất 2016 |
Đáng chú ý, trong danh sách này, 5 vị trí dẫn đầu không thay đổi. Ngoài Melbourne và Vienna, 3 vị trí còn lại lần lượt thuộc về các thành phố Vancouver, Toronto và Calgary đều của Canada. Các thành phố còn lại trong danh sách này thuộc về Adelaide của Australia, Perth (Australia), Auckland (New Zealand), Helsinki (Phần Lan), Hamburg (Đức).
Nhìn vào danh sách này có thể dễ dàng nhận thấy một loạt thành phố lớn của Anh, Pháp, Mỹ… đều không có mặt. Theo lý giải của tạp chí The Economist, thành phố New York, London, Paris hay Tokyo đều là những thành phố lớn, giàu có, thuận tiện cho thương mại, buôn bán, là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn lớn. Thế nhưng mặt khác những nơi đây đều có vấn đề về bạo lực, nguy cơ bị tấn công, ùn tắc giao thông…
“Chính những vấn đề về môi trường, an ninh, giao thông… đã khiến nhiều thành phố lớn mất điểm trong bảng xếp hạng của The Economist”, Simon Baptist - một chuyên gia kinh tế nhận định.
Thành phố Vienna, Áo |
Trong khi đó, điểm chung của nhóm các thành phố dẫn đầu danh sách đáng sống nhất 2016 đó là đều ở các quốc gia tương đối giàu có, có hệ thống giáo dục, y tế hiện đại, cơ sở vật chất tốt và lượng dân số khá ít.
Đại diện cho khu vực châu Á là 2 cái tên Hong Kong và Singapore. Trên thực tế, 2 thành phố này không được cộng thêm điểm từ những tiêu chí của The Economist trong năm 2016. Vị trí của họ được cải thiện là nhờ các “đối thủ” tự tụt hạng. Theo ông Baptist, Singapore vượt lên trên Hong Kong là nhờ có cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Chủ nghĩa khủng bố đe dọa sự ổn định đối với các thành phố
Thực tế cho thấy, nhiều thành phố đã tụt điểm nghiêm trọng do tác động từ tình hình nội chiến ở Trung Đông, nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, bất ổn chính trị hay tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước châu Á.
Paris rớt "hạng" thảm hại vì nguy cơ khủng bố luôn hiển hiện |
“Trong 12 tháng qua, nhiều thành phố đã có những cải thiện tích cực về môi trường an ninh. Nhưng cũng có không ít nơi lại đánh mất niềm tin của nhiều người”, ông Baptist nhận định.
Lấy Paris ra làm ví dụ, The Economist cho biết, trung bình trong 5 năm qua, thành phố nổi tiếng của Pháp mất 3.7 điểm, chỉ đạt 91.1 điểm (trên thang điểm 100). Hiện Paris là một trong số những thành phố từng nằm trong danh sách những nơi đáng sống nhất nhưng lại mất điểm nhiều nhất.
Paris từ lâu luôn là điểm đến ưa thích của du khách mỗi khi đặt chân tới châu Âu nhờ những công trình kiến trúc ấn tượng, cảnh đẹp và những món ăn ngon. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi Pháp trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa khủng bố.
Chỉ trong vài năm trở lại đây, thủ đô Paris liên tục phải hứng chịu các vụ bạo lực, khủng bố dã man. Điển hình là vụ tấn công đồng loạt ở Paris năm 2015 nhắm vào các quán bar, nhà hàng, nhà hát khiến 129 người thiệt mạng và bị thương. Nguy cơ bị tấn công vẫn hiển hiện ở Paris đã khiến nhiều người hủy hoặc chuyển hướng tới những thành phố an toàn hơn ở châu Âu.
Bên cạnh nguyên nhân khủng bố, xung động hay tranh chấp xảy ra ở một quốc gia cũng có tác động rất tiêu cực tới vị trí trong danh sách các thành phố đang sống nhất. Trung Quốc chính là ví dụ điển hình.
Một loạt thành phố lớn ở quốc gia này đều bị tụt điểm “chất lượng” do Bắc Kinh lao vào tranh chấp đòi chủ quyền lãnh hải với một loạt quốc gia, tạo ra căng thẳng trong khu vực. “Chúng ta đều dễ dàng nhận thấy trong hơn 1 năm qua, mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Khi một quốc gia hoặc thành phố mà bạn đang sinh sống có liên quan tới căng thẳng, tranh chấp thì chắc chắn chất lượng cuộc sống của bạn sẽ bị tác động tiêu cực”, ông Baptist nói.
Thành phố cảng Thiên Tân là một trong tám thành phố của Trung Quốc bị đánh tụt điểm nặng nhất nhưng không phải do vấn đề chính trị, mà do tác động từ vụ nổ nhà máy hóa chất 1 năm trước, khiến môi trường nơi đây bị đe dọa.
Hiện tại, Thiên Tân đang đứng ở vị trí 77 nhưng vẫn xếp trên các thành phố khác như Thượng Hải, Đại Liên, Quảng Châu… Chiếu theo cách xếp hạng của The Economist, 10 thành phố không đáng sống nhất 2016 lần lượt thuộc về Damascus của Syria, Tripoli của Libya, Lagos của Nigeria, Dhaka của Bangladesh, Port Moresby của Papua New Guinea, Algiers của Algeria, Karachi của Pakistan, Harare của Zimbabwe, Douala của Cameroon và Kiev của Ukraine.
Minh Quang (Theo Economist, Tele)
Ý kiến bạn đọc