Hà Nội dẫn đầu cả nước về thi hành án dân sự

14:19, 16/01/2015
|

(VnMedia)- Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2014, Hà Nội đứng đầu cả nước về công tác thi hành án dân sự. TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng đạt tỷ lệ cao...

  Ảnh minh họa


 Ảnh minh hoạ.


Năm 2014: Giải quyết gần 800.000 việc

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2014, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự (THADS), tạo bước phát triển mới cho công tác THADS; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội, Bộ cũng đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ THADS được Quốc hội giao.

Theo đó, trong năm 2014, tổng số phải giải quyết là 779.298 việc, tăng 47.119 việc (6,43%) so với năm 2013. Kết quả xác minh, phân loại án: 600.297 việc có điều kiện giải quyết (chiếm 77,03%, giảm 0,78% so với năm 2013), tăng 30.604 việc (5,37%) so với năm 2013 và 179.001 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm 22,97%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 531.095 việc, đạt 88,47% (vượt 0,47% so với chỉ tiêu được giao). So với năm 2013, tăng 38.120 việc và 1,94% về tỷ lệ.

Về tiền, tổng số tiền phải giải quyết là 95.108 tỷ 655 triệu 390 nghìn đồng, tăng 24.546 tỷ 54 triệu 496 nghìn đồng (34,78%) so với năm 2013. Kết quả xác minh, phân loại án có: 50.807 tỷ 978 triệu 403 nghìn đồng có điều kiện giải quyết (chiếm 53,42%, giảm 2,59% so với năm 2013), tăng 11.223 tỷ 64 triệu 343 nghìn đồng (28,35%) so với năm 2013 và 44.306 tỷ 676 triệu 987 nghìn đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm 46,58%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 38.981 tỷ 505 triệu 442 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 76,72% (còn thiếu 0,28% so với chỉ tiêu được giao). So với năm 2013, tăng 10.013 tỷ 499 triệu 842 nghìn đồng và 3,55% về tỷ lệ.

Một số địa phương đạt kết quả thi hành án tốt như: Hà Nội (91,38% về việc, 90,15% về tiền), TP.Hồ Chí Minh (88,52% về việc, 79,01% về tiền), Đà Nẵng (91,8% về việc và 86,57% về tiền), Tiền Giang (88,15% về việc và 83,78% về tiền), Nam Định (93,93% về việc, 90,68% về tiền)... qua đó góp phần rất lớn vào việc nâng cao kết quả, chỉ tiêu chung của toàn Ngành.
 
Về thi hành án hành chính, năm 2014, số việc phải đôn đốc thi hành án hành chính là 452 việc (trong đó, số việc năm trước chuyển sang là 46 việc, số việc thụ lý mới là 406 việc), tăng 100 việc (28,4%) so với năm 2013; đã có văn bản đôn đốc đối với 449 việc, tăng 136 việc (43,45%) so với năm 2013.

Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan về việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại, 12/12 địa phương thí điểm mở rộng (không kể TP.Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm; 13/13 địa phương đã thành lập được tổng số 51 Văn phòng Thừa phát lại. Các Văn phòng đã dần đi vào hoạt động có hiệu quả. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động tư pháp.

Vì sao không đạt thi hành án về tiền?

Theo nhận định của Bộ Tư pháp, kết quả THADS xong về việc và về tiền tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 nhưng chưa hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tiền. Số việc, tiền phải thi hành chuyển sang kỳ sau còn nhiều, không đạt chỉ tiêu Bộ giao.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chỉ tiêu khác theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội như ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm chính xác việc phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện; cơ bản khắc phục những vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa bảo đảm chỉ tiêu Quốc hội giao.

Các Văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương mở rộng thí điểm chậm đi vào hoạt động, hiệu quả chưa cao; kết quả chung chưa được như yêu cầu đã đề ra.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án tiền không đạt được, Bộ Tư pháp cho rằng, năm 2014, số việc và tiền thi hành án thụ lý tăng cao, nhất là về tiền, trong khi đó, tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh chuyển biến chậm, thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại, rất nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá không bán được mặc dù đã giảm giá nhiều lần; các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tuy chiếm tỷ lệ không lớn về việc (1,73%) nhưng lại chiếm tỷ lệ rất cao về tiền (43%) so với tổng số thụ lý; hầu hết các vụ việc loại này đều liên quan đến bất động sản là tài sản thế chấp, cầm cố và đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản để thi hành án, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả THADS.

Mặt khác, công tác tổ chức, cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật còn chưa nghiêm, số lượng cán bộ, công chức vi phạm, bị xử lý kỷ luật tăng so năm 2013; công tác xử lý vi phạm, khắc phục đối với những hạn chế, tồn tại một số địa phương còn chưa triệt để. Năng lực, trình độ chuyên môn, đặc biệt là ý thức trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo một số cơ quan THADS còn chưa cao.

Có một thực tế khác là công tác hướng dẫn nghiệp vụ còn chưa kịp thời, chất lượng chưa cao. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo một số cơ quan THADS, nhất là cấp Chi cục, chưa thực sự quyết liệt, thiếu sâu sát; chưa tranh thủ tốt sự quan tâm của cấp Ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS, các cấp, các Ngành, nhất là trong chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp.

Hiệu quả công tác phối hợp liên ngành còn thấp, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án; một số cơ quan thi hành án chưa tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân trong việc rà soát, lập hồ sơ miễn, giảm THADS. 

Một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chế định mới (thí điểm Thừa phát lại, thi hành án hành chính), chưa quyết liệt trong chỉ đạo; nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của một số cơ quan tư pháp, tòa án, thi hành án, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là trong việc xây dựng và triển khai Đề án về Thừa phát lại, thành lập và hỗ trợ các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động. 


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc