Khó hiểu quyết định giao đất tái định cư rồi thu hồi

10:05, 25/11/2014
|

(VnMedia)- Sau nhiều "vật vã", Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 32 đã cơ bản hoàn tất, góp phần cải thiện năng lực giao thông của thành phố Hà Nội. Thế nhưng, đã hơn 4 năm trôi qua, công tác hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân thuộc khu vực huyện Từ Liêm cũ (nay là Bắc Từ Liêm) vẫn là câu chuyện gây bức xúc...

Từng được ví là "con đường đau khổ", đường 32 (Cầu Diễn - Nhổn) - tuyến huyết mạch phía tây Hà Nội bị ngừng trệ thi công từ năm 2003. Sau khi được thi công trở lại, dự án này được UBND Hà Nội đưa vào công trình trọng điểm 1000 năm Thăng Long, nhưng sau đó phải lỗi hẹn với đại lễ.

Tháng 9/2010, trong chuyến thị sát con đường "hành dân" này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp nghe và giải quyết thắc mắc của người dân nhằm tìm ra giải pháp nhanh nhất để thông xe. Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho hay, dự kiến Tết âm lịch (tháng 2/2011) thông xe toàn tuyến.

Tháng 4/2011, khi tuyến đường không những trễ hẹn mà vẫn được thi công với tốc độ "rùa", UBND Hà Nội phải có công văn đốc thúc Sở GTVT chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo đến tháng 6/2011 thông xe.

Phớt lờ chỉ đạo của UBND thành phố, hết hạn 30/6/2011, "con đường đau khổ" vẫn ngổn ngang, buộc thành phố lại ra tiếp văn bản chỉ đạo Sở GTVT và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thông xe vào 30/7.

Hạn 30/7/2011 đã qua từ lâu nhưng tuyến đường 32 vẫn chưa thể thông xe và Sở GTVT lại "hứa" "dự kiến" thông xe toàn tuyến trước ngày 2/9.

  Ảnh minh họa

  Đường 32, đoạn qua địa phận Bắc Từ Liêm dù đã đi vào sử dụng được gần 4 năm nhưng vẫn còn những khuất tất về giải phóng mặt bằng.


Sau nhiều "vật vã", Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 32 đã cơ bản hoàn tất, góp phần cải thiện năng lực giao thông của thành phố Hà Nội. Để thực hiện dự án này, hàng trăm hộ dân đã phải di dời nhà cửa, tài sản trên đất phục vụ cho dự án. Thế nhưng, đã hơn 4 năm trôi qua, công tác hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân thuộc khu vực huyện Từ Liêm cũ (nay là Bắc Từ Liêm) vẫn là câu chuyện gây bức xúc đối với người dân nơi đây bởi một số quyết định khó hiểu mới được UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành.

Quyết định... tuỳ tiện

Theo đơn trình bày của ông Lê Dũng, trú tại Kiều Mai, phường Phúc Diễn, huyện Từ Liêm, HN, hộ gia đình ông và hộ gia đình ông Lê Trọng Tuấn (ông Dũng và ông Tuấn là hai anh em ruột) có 2 thửa đất liền nhau trên mặt đường 32. Khi thực hiện dự án, hai ông đã phải di dời và cũng đã nhận 2 quyết định đền bù tái định cư, theo 2 phương án bồi thường khác nhau. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Từ Liêm đã ra văn bản không cho phép 2 hộ gia đình này  xây dựng trên thửa đất đã bốc thăm vị trí, đã có bản vẽ ký thuật thửa đất. Và gần đây nhất, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có quyết định điều chỉnh phương án đền bù, thu hồi một thửa đất vì cho rằng hai ông tự tách hộ, tự tách thửa đất khi đã có quy hoạch dự án. Song theo ông Dũng, điều oái oăm là mặc dù ra quyết định điều chỉnh phương án, cả hộ gia đình ông Dũng và hộ gia đình ông Tuấn đều không nhận được quyết định này khiến các ông không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng Luật Khiếu nại.

  Ảnh minh họa

 Quyết định giao đất tái định cư của UBND huyện Từ Liêm cho ông Lê Trọng Tuấn.


Theo trình bày của ông Dũng, ông Vũ Xuân Cát có hộ khẩu thường trú tại thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn được phân cho thửa đất ven QL32 thuộc tổ 3, thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1990, do không có nhu cầu sử dụng, ông Vũ Xuân Cát đã nhượng quyền sử dụng  23m2 đất cùng nhà cấp 4 cho ông Lê Dũng, hộ khẩu thường trú tại Thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn. Đến năm 1993, ông Vũ Xuân Cát tiếp tục nhượng quyền sử dụng 23m2 đất cùng nhà cấp 4 cho anh Vũ Hồng Tuấn. Đến năm 1997, do không có nhu cầu sử dụng, anh Vũ Hồng Tuấn đã nhượng lại cho anh trai ông Dũng là ông Lê Trọng Tuấn quyền sử dụng 23m2 đất trên cùng căn nhà cấp 4 đang sử dụng. Như vậy, thửa đất ông Dũng mua lại của ông Vũ Xuân Cát và thửa đất do anh Lê Trọng Tuấn mua lại của ông Vũ Hồng Tuấn là 2 thửa đất hoàn toàn khác nhau và mua của hai người khác nhau, tại hai thời điểm hoàn toàn khác nhau.

Đến khi bàn giao mặt bằng lại cho BQLDA cải tạo mở rộng QL32, theo phương án đền bù được phê duyệt cho hộ ông Lê Dũng, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký quyết định số 7196 ngày 29/6/2010. Theo đó, tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng đối với hộ ông Dũng là 39m2 (trong đó đất ở sử dụng trước năm 1993 là 22m2. Số còn lại là đất lưu không và đất thủy lợi do gia đình tự cải tạo sau này). Với diện tích đất thu hồi trên, theo quyết định hộ ông Lê Dũng được giao đất tái định cư 40m2 và số tiền hỗ trợ được nhận là 41 triệu đồng (sau khi đã khấu trừ tiền sử dụng đất).

Đối với hộ gia đình ông Lê Trọng Tuấn, khi cải tạo, nâng cấp mở rộng QL32, theo phương án đã được phê duyệt, ông Lê Văn Thư, chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký quyết định số 7197 ngày 29/6/2010 với nội dung: Hộ gia đình chúng tôi (Lê Trọng Tuấn) bị thu hồi 44,3m2 (trong đó 25m2 đất ở sử dụng trước năm 1993 và 19,3m2 đất lưu không sử dụng làm lối đi và đất thủy lợi gia đình tự sử dụng). Với diện tích đất bị thu hồi trên, ông Lê Trọng Tuấn được xét giao 40m2 đất tái định cư và 92 triệu đồng ( sau khi đã khấu trừ số tiền gần 280 triệu đồng tiền sử dụng đất).

  Ảnh minh họa

Đường 32 đoạn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm.


Tuy nhiên, một điều khó hiểu là, ngày 15/1/2014, ông Nguyễn Kim Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký quyết định số 594 điều chỉnh phương án đền bù đối với hộ gia đình ông Tuấn và ông Dũng. Theo đó, ông Dũng và ông Tuấn đồng sử dụng đất trước khi bị thu hồi và đồng sử dụng 47m2 đất tái định cư được bố trí. Như thế cũng có nghĩa là, một trong hai ông bị “cắt” đi một phương án bồi thường tái định cư. Điều khó hiểu hơn là quyết định được ban hành từ tháng 1 năm 2014 nhưng đến thời điểm này, hai ông vẫn khẳng định chưa hề nhận được quyết định để khiếu nại theo đúng luật.

Chỉ đến ngày 7/10 vừa qua, hai ông nhận được giấy mời lên làm việc tại UBND quận Bắc Từ Liêm, hai ông mới chính thức được thông báo bằng miệng và được ông Nguyễn Văn Chiến, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bắc Từ Liêm giải thích về việc thu hồi phương án đền bù. Theo đó, quyết định điều chỉnh phương án được dựa trên phiếu xác nhận số 658 ngày 24/2/2012 của UBND xã Phú Diễn. Theo phiếu xác nhận này, ông Phí Lê Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Diễn đã ký xác nhận thay thế xác nhận số 680 đã ký ngày 20/8/2011 và trước đó là xác nhận số 506 ký ngày 9/12/2009.

Vi phạm pháp luật?

Như vậy, chỉ với việc xác nhận nguồn gốc đất và tài sản gắn liền với đất cho một trường hợp cụ thể, UBND xã Phú Diễn đã có đến 3 bản xác nhận. Điều này đã dẫn đến việc điều chỉnh phương án đền bù của huyện Từ Liêm. Điều lạ hơn nữa là các xác nhận cũng như các quyết định của UBND huyện Từ Liêm ban hành đều không đến được tay đương sự là ông Tuấn và ông Dũng.

Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Luật Sư Phạm Hoàng ( Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo đúng trình bày của ông Dũng và ông Tuấn thì UBND huyện Từ Liêm cũ, và nay là UBND quận Bắc Từ Liêm đang vi phạm  pháp luật nghiêm trọng. Điều đó thể hiện ở việc, ngay sau khi có thông tin bị đình chỉ xây dựng để xem xét thu hồi đất tái định cư, ông Tuấn đã có đơn gửi lãnh đạo huyện Từ Liêm. Và sau đó, tháng 9 năm 2013, ông Dũng tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo huyện Từ Liêm xem xét, giải quyết nhưng đến nay đã hơn 400 ngày, hai ông vẫn không nhận được văn bản trả lời!? Thậm chí, khi đã có quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hai ông cũng không nhận được quyết định là lỗi của UBND huyện Từ Liêm. Trong trường hợp này, ông Tuấn và ông Dũng có thể khởi kiện UBND huyện Từ Liêm ra tòa Hành chính.

Bài 2: Di dời hơn 4 năm vẫn chưa được tái định cư


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc