(VnMedia)- Trong lúc làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ chiến sỹ đã bị côn đồ lao vào tấn công. Mặc dù vậy, sự hung hăng của đối tượng đều bị lực lượng chức năng xử lý...
Trốn kiểm tra tải trọng xe, dút dao doạ công an
Hồi 02h20 phút ngày 19/9/2014, Tổ công tác Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Kim Liên, TP Đà Nẵng, do Trung tá Bùi Hòa làm Tổ trưởng, đã ra lệnh dừng xe, kiểm tra xe đầu kéo biển kiểm soát 86C-014.74 do Trần Văn Nam (SN 1980) điều khiển. Nam không chấp hành mà tiếp tục điều khiển xe chạy về hướng hầm đường bộ Hải Vân. Đồng chí Hòa dùng xe máy truy đuổi nhưng Nam vẫn tiếp tục lái xe bỏ chạy.
Ảnh minh hoạ.
Khi đến trạm thu phí, lái xe dừng lại mua vé, đồng chí Hòa bị phụ xe Phạm Văn Định (SN 1987) cầm dao đe dọa và đẩy đồng chí Hòa ngã rồi lên xe bỏ chạy.
Quá trình truy đuổi, đối tượng lạng lách, ép đồng chí Hòa ngã ra đường, gây xây xát nặng. Đối tượng điều khiển xe chạy đến hầm Hải Vân thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an quận Liên Chiểu bắt giữ. Vụ việc đang được điều tra, xử lý.
Côn đồ đánh Phó Trưởng công an xã nhập viện
Hồi 22h 15 phút ngày 06/9/2014, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra tại địa bàn khu 4, xã Phùng Xá, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc có một nhóm thanh niên đang gây mất an ninh trật tự (ANTT) tại khu vực cống chui thuộc đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đồng chí Nghĩa cùng 2 công an viên khác đã nhanh chóng có mặt tại nơi xảy ra vụ việc.
Thấy lực lượng công an xã, một số đối tượng bỏ chạy, một số đối tượng khác sử dụng hung khí tấn công làm đồng chí Nghĩa thương tích nặng ở bắp tay trái và vùng sườn trái phải đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Cẩm Khê đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra làm rõ đối tượng dùng dao gây thương tích cho đồng chí Nghĩa là Vương Mạnh Hùng, sinh năm 1991 ở xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Hùng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Công an huyện Cẩm Khê đang tích cực triển khai lực lượng truy bắt đối tượng Hùng để xử lý trước pháp luật.
Nhằm động viên, chia sẻ những khó khăn của đồng chí Nghĩa và gia đình, đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh đã trao 3 triệu đồng; đồng thời ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe và động viên đồng chí Nghĩa tập trung điều trị để sớm bình phục sức khỏe để trở lại tiếp tục công tác.
Can đánh nhau, cảnh sát giao thông bị đánh nhập viện
Chiều 13/8, đồng chí Đại tá Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ -đường sắt đã đến tại Bệnh viện 19-8 thăm, tặng quà, động viên Thiếu úy Võ Minh Hiếu, cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an TP Hà Nội, người đã dũng cảm khống chế, bắt giữ đối tượng côn đồ để cứu người dân đi đường thoát khỏi nguy hiểm trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội). Về phía Công an thành phố Hà Nội có đồng chí Đại tá Đào Thanh Hải- Phó giám đốc; Đại tá Đào Vịnh Thắng-Trưởng phòng CSGT.
Lực lượng CSGT toàn quốc đã phát động phong trào học tập, nêu gương dũng cảm của Thiếu úy Võ Minh Hiếu trong dịp kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống CAND 19/8.
Vụ việc xảy ra sáng ngày 12/8, Thiếu úy Võ Minh Hiếu cùng CBCS trong tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến, phát hiện hai đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1987) và Trần Minh Thùy (SN 1988), đều trú tại thôn 10, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội va chạm giao thông và đuổi theo chém anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1985) ở Nam Từ Liêm. Với tinh thần dũng cảm, Thiếu úy Võ Minh Hiếu đã nhanh chóng đuổi theo, ngăn chặn. Mặc dù bị đối tượng Trần Minh Thùy dùng hai tay hai dao chém vào vùng mặt và vai, song Thiếu úy Hiếu vẫn dũng cảm, kiên quyết lao vào quật ngã, bắt giữ đối tượng, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân…
Sau khi nghe báo cáo chi tiết diễn biến sự việc, ân cần hỏi thăm sức khỏe của Thiếu úy Võ Minh Hiếu, Đại tá Trần Sơn Hà đã biểu dương tinh thần dũng cảm, quyết tâm tấn công, trấn áp tội phạm của đồng chí Hiếu. Đại tá Trần Sơn Hà đã biểu dương tấm gương dũng cảm của Thiếu úy Võ Minh Hiếu, cũng như ngợi khen công tác xây dựng lực lượng của Phòng CSGT của Công an TP Hà Nội.
Trước hành động dũng cảm quên mình vì nhân dân phục vụ của Thiếu úy Võ Minh Hiếu, Đại tá Trần Sơn Hà cho biết, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát động phong trào học tập, nêu gương dũng cảm của Thiếu úy Võ Minh Hiếu trong dịp kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống CAND 19/8.
Pháp luật phải được thượng tôn
Trên thực tế, đã có nhiều đối tượng chống lại lực lượng chức năng bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, do sẵn tâm lý phạm tội, hoặc thiếu kìm chế trong những tình huống cụ thể ngoài đường, các đối tượng vẫn coi thường luật pháp đánh cán bộ chiến sỹ trọng thương. Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, hành vi chống người thi hành công vụ bị phạt tù cao nhất là 7 năm.
Ngoài ra, từ 1/2/2014, những người chống người thi hành công vụ còn bị áp dụng Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Theo đó, người thi hành công vụ được hiểu là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật...
Trong lúc làm nhiệm vụ nếu gặp phải chống đối, người thi hành công vụ giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ mới được sử dụng biện pháp bắt giữ, cưỡng chế...
Nghị định cho phép trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng vệ, khống chế bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng.
Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp gì, Nghị định yêu cầu chỉ được áp dụng trong trường hợp "cần thiết", "cấp bách" và căn cứ "tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể".
Riêng với nổ súng, Nghị định yêu cầu tuân thủ hướng dẫn tại điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nguyên tắc là chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành sau khi đã cảnh báo, không nổ súng vào phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Cũng theo Nghị định, sau khi xử lý vi phạm với người có hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan ra quyết định xử lý có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm học tập, làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục.
Ý kiến bạn đọc