Cảnh sát giao thông không kiểm tra ở quán nhậu

14:06, 24/09/2014
|

(VnMedia)- Để kiểm tra hành vi vi phạm nồng độ cồn của chủ phương tiện, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra trên các tuyến đường có nhiều quán ăn, cũng là những tuyến đường có TNGT cao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ.

Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến về "Cách nào giảm TNGT do uống rượu bia?", Thiếu tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng CSGT công an TP. Hồ Chí Minh, Luật Giao thông Đường bộ cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Người điều khiển xe ô tô bị cấm không được sử dụng rượu, bia. Cũng theo Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, việc điều khiển xe trong điều kiện có rượu bia thì hậu quả nặng hơn so với người bình thường. Qua tìm hiểu các nguyên nhân thì xác định nguyên nhân chính, trong đó trọng tâm là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Trong 10 tháng 2014 đã kiểm tra trên 11.000 trường hợp vi phạm.

Cũng theo Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, trong giai đoạn đầu triển khai đo nồng độ cồn gặp khó khăn do bị chống chế, không hợp tác, hoặc do quá say nên thổi vào máy không được. Cũng vẫn có lời nói nhục mạ CSGT. CSGT đã rút kinh nghiệm, lựa chọn những cán bộ chiến sĩ ứng xử tốt, trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ.

Trả lời thắc mắc về việc liệu có tình trạng khoán phạt hành vi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện không? Thiếu tá Huỳnh Trung Phong khẳng định: "Chúng tôi không khoán. Chúng tôi xác định đây là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT và tập trung xử lý. Chúng tôi linh hoạt bố trí cán bộ và địa điểm một cách khoa học đồng bộ để đạt hiệu quả cao".

Trên thực tế, muốn kiểm tra nồng độ cồn để xác định người điều khiển phương tiện vi phạm cần phải kiểm tra tại các quán ăn. Câu hỏi đặt ra là "CSGT có kiểm tra ở quán nhậu không?".

Về tình huống này, Thiếu tá Huỳnh Trung Phong: "Chúng tôi không kiểm tra tại các quán mà kiểm tra trên các tuyến đường trọng điểm có nhiều quán ăn. Đây là những tuyến đường có TNGT cao. Đồng thời cũng xác định các thời gian cao điểm xảy ra TNGT và các điểm đen TNGT chứ không trực tại các quán".

Tại buổi giao lưu, Thiếu tá Huỳnh Trung Phong cũng giải đáp cụ thể về quy định xử lý của pháp luật trong trường hợp sử dụng quá nồng độ cồn cho phép.

Theo giải thích, theo quy định hiện nay, người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu bao nhiêu là vi phạm luật? Mức xử phạt là bao nhiêu? Người lái ô tô vì sao bị cấm tuyệt đối uống rượu,bia? Nếu vi phạm, mức phạt như thế nào?

Căn cứ tại khoản 8, điều 8, Luật giao thông đường bộ năm 2008:

- Nghiêm cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định trên, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt căn cứ tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, cụ thể như sau:

1. Mức xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự xe mô tô, xe gắn máy:

-  Phạt 500.000 – 1.000.000 đồng, tước GPLX 01 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Căn cứ Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 10 Điều 6 và Điểm b Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

Trong trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước Giấy phép lái xe 02 tháng (Điểm c khoản 10 Điều 6 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

-  Phạt 2.000.000 – 3.000.000 đồng, tước GPLX 02 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở  (Căn cứ Điểm e Khoản 6, Điểm c Khoản 10 Điều 6 và Điểm b Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

* Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ. (Căn cứ Điểm b Khoản 6 Điều 6 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

2. Mức xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tước GPLX 01 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 Điều này (Căn cứ Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 11 Điều 5 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

Trong trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước Giấy phép lái xe 02 tháng (Điểm c khoản 11 Điều 5 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ 7.000.000  - 8.000.000 đồng, tước GPLX 02 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Căn cứ Điểm b Khoản 7, Điểm c Khoản 11 Điều 5 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng, tước GPLX 02 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Căn cứ Điểm a Khoản 8, Điểm c Khoản 11 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

• Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ. (Căn cứ Điểm b Khoản 8 Điều 5 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

 Số liệu thống kê vụ tai nạn giao thông vì rượu bia trên thực tế cao hơn báo cáo!

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG: T
hời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu bia, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn không chỉ không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Các số liệu thống kê chính thức về nguyên nhân trực tiếp xảy ra TNGT do rượu bia thì chưa cao, có địa phương khoảng 10%, nhưng nhiều địa phương còn thấp hơn. Nhưng số liệu chúng tôi có được qua một số cơ quan chức năng, nhất là tại các bệnh viện lớn thì số liệu cao hơn nhiều.

Đơn cử tại Bệnh viện Việt - Đức, có tới 60% số ca vào cấp cứu do TNGT có liên quan đến sử dụng rượu bia, trong đó 40% số ca chấn thương đầu có sử dụng rượu bia. Những năm qua, chúng ta đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động nhưng thực sự tình hình sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông không có nhiều thuyên giảm. Chúng tôi vừa kiểm tra công tác ATGT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhận thấy, trong số 198 người chết do TNGT gây ra trong 6 tháng đầu năm 2014, có đến 52 người chết do tự gây ra, không va chạm với ai. Nguyên nhân chủ yếu là đi xe máy tự đâm vào dải phân cách, tự ngã gây tai nạn, tử vong. Số còn lại cũng không ít trường hợp tử vong do sử dụng rượu bia quá mức. Đây là vấn đề rất đáng báo động.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc