(VnMedia)- Ngày 11/8, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự xã hội (PC45, Công an Hà Nội) chuyển hồ sơ vụ “bảo mẫu” mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề sang Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố đề nghị khởi tố Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.
Trước đó, ngày 1/8/2014, Công an Hà Nội nhận được đơn của anh anh Nguyễn Thành Long (ở Khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) trình báo, cháu Cù Nguyên Công (trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề) mà anh vẫn thường xuyên đón về nhà chăm sóc bị mất tích.
Hai đối tượng Nguyệt, Trang tại cơ quan điều tra.
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an làm rõ, chị Hà (quê Phú Thọ) và anh Trường (quê Tuyên Quang) có quan hệ yêu đương và sinh ra cháu bé. Do không có điều kiện nuôi dưỡng nên đã mang đến chùa Bồ Đề gửi nuôi vào tháng 10/2013.
Sau đó, Ni sư Thích Đàm Lan bảo Hà gặp Trang để làm thủ tục gửi lại đứa trẻ. Sau đó khoảng 1 tuần, một doanh nghiệp đến chùa làm từ thiện, trong đoàn có anh Long. Người đàn ông có tấm lòng hướng thiện này gặp và đặt tên cho cháu bé là Cù Nguyên Công, đồng thời nhận làm cha đỡ đầu cho cháu bé. Từ đó thỉnh thoảng anh Long đến thăm cháu Công.
Trong thời gian này, nhiều lần chị Hà đến chùa thăm cháu Công nên Trang mới biết người phụ nữ này chính là mẹ của cháu bé. Trang có nói với chị Hà xin đứa trẻ cho chị dâu (Nguyệt) nuôi và được chị Hà đồng ý. Do trước đó 1 năm, Nguyệt có nhờ Trang tìm một đứa trẻ làm con nuôi và hứa bồi dưỡng cho Trang tiền.
Gặp Hà, Nguyệt yêu cầu phải viết giấy tường trình với nội dung đã quan hệ bất chính với chồng mình và có thai nên bàn giao lại cho gia đình bố cháu bé nuôi dưỡng. Hai bên thỏa thuận với một khoản tiền bồi dưỡng. Đến tháng 6/2014, Nguyệt báo tin cháu Cù Nguyên Công bị bệnh sởi và tử vong sau đó được chôn ở quê nội.
Sau một tháng, Nguyệt gọi điện cho Hà và thông báo là đưa cho Trang 35 triệu đồng. Nguyệt nói số tiền này chị Hà được hưởng 30 triệu đồng bồi dưỡng công sinh đẻ cháu bé.
Ngày 4/8, Cơ quan Điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt. Cơ quan công an xác định, Trang đã cấu kết, bàn bạc để tìm cách đưa cháu bé vào chùa rồi sau đó tìm cách đưa trẻ ra ngoài chùa, bán cho Nguyệt.
Trao đổi với VnMedia về sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, Thượng toạ Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 1 - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết, sau khi tiếp nhận những thông tin về vụ việc, GHPGVN đã cử đoàn công tác sang chùa Bồ Đề làm việc với sư thầy Đàm Lan xung quanh việc nuôi giữ trẻ và các hoạt động khác liên quan đến vụ việc.
GHPGVN đã yêu cầu nhà chùa cần hoạt động theo đúng quy định của pháp luật nói chung và quy định, điều lệ đã ban hành đối với tăng ni. Hiện GHPGVN đang chờ kết quả từ Cơ quan điều tra và các cấp chính quyền để đưa ra hướng giải quyết cụ thể đối với chùa Bồ Đề cũng như sư thầy Đàm Lan.
"GHPGVN cũng đã ban hành văn bản, thông tư đến các Ban Trị sự, từng Giáo hội các tỉnh trên cả nước yêu cầu rút kinh nghiệm; yêu cầu tất cả các chùa phải rà soát, đăng ký, kê khai những trẻ được bảo trợ và chưa được bảo trợ theo quy định của pháp luật", Thầy Thiện cho biết.
Điều 120 Bộ luật Hình sự quy định về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em: 1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức b) Có tính chất chuyên nghiệp c) Vì động cơ đê hèn d) Đối với nhiều trẻ em đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân e) Để đưa ra nước ngoài g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm i) Tái phạm nguy hiểm k) Gây hậu quả nghiêm trọng 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm. |
Ý kiến bạn đọc