Có thể khởi tố người tung tin đồn dịch Ebola đến Việt Nam?

18:30, 14/08/2014
|

(VnMedia)- Tính đến thời điểm hiện tại, Cục An ninh A68 (Bộ Công an) và Công an Thành phố Hà Nội đã triệu tập 4 đối tượng liên quan đến việc tung tin đồn dịch Ebola đến Việt Nam. Trong trường hợp này, liệu có thể khởi tố hình sự?

Chiều 14/8, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội đã chính thức thông báo về kết quả điều tra xác minh vụ việc đưa tin sai sự thật về dịch bệnh Ebola trên mạng Internet. Theo thông tin được công bố, xác định tính chất phức tạp, nhạy cảm của vụ việc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Thành uỷ, UBND TP Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố đã chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ tổ chức xác minh, điều tra làm rõ. Đến ngày 13/8, đã xác minh làm rõ 2 đối tượng có liên quan là Đỗ Thị Thuỳ Linh (SN 1985, quê Hưng Yên, hiện đang ở phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội), nghề nghiệp kinh doanh tự do và chồng là Vương Bá Huy (SN 1983, trú cùng tại địa chỉ). Đáng lưu ý, đối tượng Vương Bá Huy nguyên là cán bộ công an, cấp bậc Trung sĩ, công tác tại trại giam số 1 Công an Thành phố Hà Nội. Còn đối tượng Đỗ Thị Thuỳ Linh là cử nhân Luật.

Ảnh minh họa

Những thông tin thất thiệt về Ebola đến Việt Nam trên internet gây hoang mang trong dư luận những ngày gần đây.

Cũng trong ngày 13/8, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Bộ Công an đã xác định được danh tính 2 đối tượng phát tán thông tin thất thiệt: "Việt Nam đã có người nhiễm virus Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai" trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Hai đối tượng này là Vũ Hương Thảo (SN 1991, trú tại Quang Trung, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nghiêm Thùy Trang (SN 1984, trú tại khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cơ quan công an triệu tập hai đối tượng này lên làm việc.

Như vậy, đến thời điểm này, đã có 4 đối tượng liên quan đến vụ tung tin thất thiệt về dịch Ebola đến Việt Nam bị triệu tập.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã khẳng định hoàn toàn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi rút Ebola tại Việt Nam.

Tại cơ quan an ninh, 2 đối tượng Thảo, Trang khai nhận việc đăng tải thông tin về dịch bệnh Ebola xuất hiện tại Việt Nam là vì mục đích muốn mọi người phòng tránh, vì nếu có dịch là rất nguy hiểm,.. Sau đó, đối tượng đã đóng facebook  của mình nhưng thông tin đó được lan truyền không thể kiểm soát được.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng:

Hành vi đưa, phát tán thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh Ebola xuất hiện ở Việt Nam lên mạng internet của các đối tượng là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi đó đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác điều hành phòng chống dịch bệnh của Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện khi có thông tin bệnh nhân đang điều trị dịch bệnh,..

Hành vi tung tin đồn nhảm về dịch bệnh Ebola xuất hiện tại Việt Nam có dấu hiệu tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet. Tội danh và hình phạt được qui định tại Điều 226 Bộ Luật Hình sự.

Điều 226 Bộ Luật Hình sự là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên cần thiết phải có hậu quả xảy ra. Hậu quả có thể là vật chất hoặc tinh thần.

Theo qui định của điều luật này, để xử lý đối tượng thì cần phải làm rõ hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng trong vụ án này sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Do không có văn bản pháp luật hướng dẫn xử lý hậu quả nghiêm trọng theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự nên cơ quan điều tra sẽ phải căn cứ tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi của 2 đối tượng gây ra để đánh giá hậu quả nghiêm trọng về mặt phi vật chất qua các căn cứ pháp lý như: Báo cáo của Bộ Y tế về tác động của việc tung tin đồn nhảm về dịch bệnh; Báo cáo của Bệnh viện về tin đồn có bệnh nhân đang điều trị dịch bệnh; Báo cáo của Tổng cục Du lịch nếu cho rằng thông tin dịch bệnh ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc tế đến Việt Nam (du khách hủy tour, hủy khách sạn, số lượng khách du lịch sụt giảm,..) chứng cứ chứng minh tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân bị ảnh hưởng,… 
  
Căn cứ vào động cơ, mục đích, nhân thân của các đối tượng và trên cơ sở đánh giá đầy đủ khách quan tính chất nguy hiểm của hành vi, hậu quả thực tế xảy ra, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ phải xử lý theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự. Nếu xét thấy chưa đủ căn cứ thì có thể  xử lý bằng biện pháp hành chính để nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa các đối tượng đưa thông tin trái phép lên mạng internet gây hoang mang trong xã hội.

 Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

1.    Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc