Công bố Bộ nguyên tắc về minh bạch và trách nhiệm

10:05, 03/07/2014
|

(VnMedia)- Sáng ngày 2/7/2014, hơn 120 đại biểu đến từ nhà nước, các cơ quan tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và truyền thông đã tham gia hội thảo “Giới thiệu Bộ Nguyên tắc thực hành Minh bạch và Trách nhiệm giải trình và đối thoại Minh bạch thông tin chính sách” do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Liên minh hành động vì sự phát triển các tổ chức xã hội (CSA Việt Nam) tổ chức. Sự kiện do Cơ quan viện trợ Ailen (Irish Aid) tài trợ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ.

Hội thảo đã giới thiệu Bộ nguyên tắc thực hành cho các tổ chức xã hội (CSOs) về Minh bạch và trách nhiệm giải trình do MSD và CSA Việt Nam điều phối xây dựng từ tháng 9/2013 tới tháng 6/2014 với sự tham gia của hơn 100 tổ chức xã hội tại Việt Nam. Đây là sáng kiến đầu tiên của CSOs trong việc tự phát triển tổ chức và để được công nhận tại Việt Nam. CSOs cam kết với Bộ nguyên tắc mong muốn trở thành lực lượng tiên phong trong việc thực hành các nguyên tắc chuẩn mực về Minh bạch giải trình, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội công bằng, và minh bạch. Việc tự phát triển, tự đánh giá, và chứng nhận tổ chức thực hành tốt sẽ góp phần phát triển hình ảnh và năng lực cho khối các tổ chức xã hội Việt Nam, tạo niềm tin cho các bên liên quan: cộng đồng, nhà nước, truyền thông và nhà tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mark Sidel, giáo sư về luật và lĩnh vực công, Đại học Wisonsin- Madison, Hoa kỳ, cố vấn khu vực Châu Á, trung tâm Luật phi lợi nhuận quốc tế (ICNL), tư vấn quốc tế hỗ trợ việc xây dựng Bộ nguyên tắc đã bày tỏ: “Đây là một sáng kiến rất ấn tượng của các tổ chức xã hội Việt Nam trong việc tự khẳng định năng lực, hình ảnh và nỗ lực của mình trong xã hội. Tôi đánh giá rất cao tiến trình xây dựng của Bộ nguyên tắc này với sự tham gia và ủng hộ đông đảo của các tổ chức xã hội Việt Nam”.

Bà Quang Thị Ngọc Huyền, giám đốc trung tâm nghiên cứu hội, NGO và đào tạo – Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, người phản biện cho Bộ nguyên tắc bày tỏ ấn tượng sâu sắc của mình về Bộ nguyên tắc. Bà tin rằng đây là Bộ nguyên tắc hết sức quan trọng không những giúp các tổ chức xã hội mà còn “song hành cùng nhà nước, hưởng ứng phong trào thực hành minh bạch giải trình mà nhà nước khởi xướng, góp phần giúp nhà nước quản lý CSOs hiệu quả hơn, tăng cường tính dân chủ, phát huy trí tuệ, thúc đẩy khả năng phát triển chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả cho CSOs. Điều này xây dựng niềm tin, tạo môi trường thuận lợi hội nhập quốc tế cho CSOs nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh giám đốc MSD đồng thời là điều phối quốc gia của CSA Việt Nam – mạng lưới các tổ chức xã hội vận động vì môi trường phát triển thuận lợi cho các tổ chức xã hội Việt Nam khẳng định: “Đây là bước tiến quan trọng của CSOs, là cách CSOs chủ động thực hiện việc công bố năng lực và ghi nhận năng lực, khẳng định năng lực của mình và đòi hỏi các bên liên quan trong việc hỗ trợ CSOs phát triển hiệu quả và bền vững”. Bộ Nguyên tắc sẽ được truyền thông và áp dụng rộng rãi, tự nguyện bởi các tổ chức xã hội Việt Nam trong thời gian tới".

Tiếp sau sự kiện công bố Bộ nguyên tắc, hơn 120 đại biểu đến từ nhà nước, các cơ quan tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và truyền thông đã tiếp tục tham dự Phiên họp buổi chiều “Đối thoại minh bạch thông tin chính sách”. Đối thoại nhằm mục đích giúp các tổ chức xã hội tiếp cận được các thông tin chính sách liên quan tới việc xây dựng môi trường phát triển thuận lợi cho các tổ chức xã hội Việt Nam.

Tại đối thoại, đại diện các cơ quan nhà nước đã cởi mở chia sẻ về tiến trình xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật tiếp cận thông tin cho các tổ chức xã hội Việt Nam – đây là 2 văn bản Luật quan trọng mà CSOs cần phát huy vai trò tham vấn hiệu quả.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, phó viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã khẳng định: “Cần mở rộng các cơ hội tham gia của công chúng trong tiến trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật – điều này giúp đảm bảo luật đi vào đời sống và đời sống đi vào luật”. Ông cũng hoan nghênh nỗ lực của các tổ chức xã hội trong việc đóng góp vào tiến trình xây dựng chính sách pháp luật.

Ông Lê Trọng Vinh, phó vụ trưởng, vụ pháp chế, Bộ Nội vụ - người chia sẻ về Luật tiếp cận thông tin cũng nhận định: “Các tổ chức xã hội là các tổ chức gần dân nhất, đại diện của dân nên sẽ hiểu nhất nhu cầu của người dân, huy động được sự tham gia của người dân tiếp cận được thông tin chính xác kịp thời. Đồng thời, các tổ chức xã hội hoàn toàn có thể tham gia hiệu quả vào tiến trình xây dựng chính sách pháp luật sẽ góp phần giúp luật, chính sách thực tế hiệu quả hơn”. Ông cũng góp ý để các tổ chức xã hội cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin và cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực vận động và đóng góp xây dựng chính sách.

Được thông tin và đối thoại về khả năng tham gia của CSOs trong tiến trình xây dựng hai văn bản quy phạm pháp luật quan trọng này, các tổ chức xã hội có thêm tự tin trong việc vận động cho sự tham gia cua CSOs, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam.

Ngoài đối thoại về minh bạch thông tin giúp các tổ chức xã hội tham gia hiệu quả vào tiến trình xây dựng chính sách, hội thảo cũng tập trung thảo luận vào việc thúc đẩy vận động môi trường phát triển hiệu quả cho các tổ chức xã hội từ kinh nghiệm quốc tế và nỗ lực cho việc thúc đẩy việc tiến trình xây dựng các văn bản chính sách liên quan tới hội và các tổ chức phi chính phủ sắp tới.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc