Tại sao cảnh sát giao thông liên tiếp bị... đánh?

18:24, 18/05/2014
|

(VnMedia)- Với quyền hạn được trang bị là được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Nhưng, đã có rất nhiều vụ tấn công cảnh sát giao thông xảy ra, mà dường như các chiến sỹ không thể chống cự lại được! Tại sao?

>> Mối lo ngại sau vụ thanh niên hành hung cảnh sát
>>  Khởi tố, bắt tạm giam kẻ đập gạch vào đầu CSGT
>>  Choáng: Cảnh sát giao thông bị đánh, chửi giữa đường
>> Khi nào bị kết tội chống người thi hành công vụ?

Lực lượng quan trọng, nhưng dễ... bị đánh!

Theo quy định của pháp luật, lực lượng Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; Hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ; Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông, tổ chức cấp cứu người bị nạn, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên phương tiện giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện), địa bàn được phân công theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Thiếu tá Ngô Hồng Hải bị đối tượng Trần Quang Độ quật ngã trên đường.

Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, pháp luật cũng quy định cho lực lượng cảnh sát giao thông những quyền hạn cụ thể: Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật; Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật; Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông; Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật; Tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi có ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;  Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, cũng có một thực tế đầy khó hiểu là với quyền hạn được trang bị là được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Nhưng, đã có rất nhiều vụ việc hy hữu xảy ra, khi những chiến sỹ cảnh sát giao thông bị các đối tượng vi phạm giao thông đánh, tát mà dường như không thể chống cự lại được!

Liên tiếp trong những ngày gần đây, hai cảnh sát giao thông Thanh Hóa liên tiếp bị đánh mà không có phản ứng. Sự việc đầu tiên xảy ra vào ngày 10/5 khi đối tượng Trần Quang Độ (SN 1994), ngụ ở Phú Thọ 3 (Phú Sơn, TP Thanh Hóa) đánh Thiếu tá Ngô Hồng Hải, ghì cổ và quật ngã vị Thiếu tá này xuống đường. Khoan bàn đến việc người dân chỉ đứng ngoài chứng kiến và không lao vào can thiệp, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao một cán bộ dày dạn kinh nghiệm, đeo đến lon Thiếu tá lại dễ dàng bị một thanh niên 9x quật ngã đến vậy!

3 ngày sau đó, lại có một vụ tấn công cảnh sát giao thông khác xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Lần này, người bị tấn công là cả tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông, Công an thị xã Sầm Sơn. Theo đó, khoảng 20h30, ngày 13/5, Tổ công tác của Đội CSGT, Công an thị xã Sầm Sơn đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 2 người đi trên 1 xe máy không đội mũ bảo hiểm, có biểu hiện say rượu nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính. Khi tiếp xúc với tổ công tác, người ngồi sau xe đã có những biểu hiện chống đối, không nghe theo hiệu lệnh của lực lượng CSGT. Mặc dù đã được lực lượng chức năng giải thích cặn kẽ nhưng đối tượng vẫn manh động đạp thẳng vào người các chiến sĩ CSGT. Một số đồng chí trong tổ công tác đã bị thương. Trước thái độ manh động của đối tượng, tổ công tác đã phối hợp cùng quần chúng khống chế đối tượng đưa về trụ sở Công an thị xã Sầm Sơn. Tại Công an thị xã Sầm Sơn, đối tượng khai nhận tên là Lê Anh Tuấn, ở phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn. Sơn lý giải cho hành động của mình là do say rượu, không kìm chế được hành động.

Ảnh minh họa

Đối tượng Lê Tuấn Anh tại cơ quan điều tra.

Điều gây bất ngờ nhất trong vụ tấn công cảnh sát giao thông này là đối tượng đang say rượu. Đành rằng, khi bị ma men chi phối, người say sẽ có sức mạnh khác thường, nhưng cả một tổ công tác lại không kiểm soát được một đối tượng, thì liệu những cán bộ trong tổ công tác bị hành hung đó có đủ khả năng, kỹ năng để thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của mình trên đường như quy định của pháp luật nói trên!

Bất ngờ vì các chiến sỹ ở tổ, đội mới hay bị tấn công!

Những tình huống bất khả kháng hoặc những rủi ro trong nghề nghiệp là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, với đặc thù công việc của mình, việc các cảnh sát giao thông bị tấn công một cách ... dễ dàng là điều khiến dư luận bất an. Sự lo lắng càng tăng cao hơn khi một cách vô tình, những chiến sỹ cảnh sát giao thông bị tấn công thời gian gần đây và "nổi tiếng" trên truyền thông gần đây đều thuộc về các Đội Cảnh sát giao thông.

Tối 15/5, tại  Km163 - QL6, thuộc địa phận xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Đỗ Đắc Tú (32 tuổi, ngụ xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La) điều khiển xe tải BS: 26C - 006.99 chở mận theo hướng Sơn La - Hà Nội, gặp tổ công tác của Đội CSGT 2.6 - Phòng CSGT Công an Sơn La đang làm nhiệm vụ trên đường. Tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu Tú dừng phương tiện để kiểm tra, nhưng Tú không chấp hành, điều khiển xe bỏ chạy.

Đến Km161 - QL6 thì tổ công tác đuổi kịp, buộc dừng phương tiện. Đã không chịu xuất trình giấy tờ, Tú còn xúc phạm tổ công tác, dùng tay đấm vào mặt 1 đồng chí CSGT, sau đó leo lên xe, điều khiển xe quay chắn ngang QL6, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Tổ công tác PC67 phối hợp với Công an huyện Vân Hồ lập biên bản bắt giữ đối tượng, dẫn giải về công an huyện, lập hồ sơ xử lý. Với hành vi của mình, chiều 17/5, Công an huyện Vân Hồ, Sơn La cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Đỗ Đắc Tú về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trước đó, ngày 6/5, CAQ Ba Đình, TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Xuân (SN 1969, ở số 4, ngõ 371 đường La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) về hành vi "Chống người thi hành công vụ".

Vào lúc 00h ngày 3/5 khi tổ công tác CAP Điện Biên (quận Ba Đình) gồm 3 đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Ngọc Hiếu và Nguyễn Phú Thành (đều mặc quân phục cảnh sát theo đúng điều lệnh) làm nhiệm vụ tuần tra địa bàn, khi đi đến ngã tư Trần Phú - Hoàng Diệu thì phát hiện một vụ va chạm giao thông giữa xe máy và chiếc xe Suzuki Swift màu trắng mang BKS: 30A - 166.00.

Đối tượng Nguyễn Ngọc Xuân lúc đó đang ngồi trên xe ô tô BKS: 30A - 166.00 vội vàng lao ra chửi, đồng thời dùng tay đánh vào mặt, giật đứt cúc áo, cành tùng của đồng chí Dũng. Mặc dù đã được đồng chí Hiếu và Thành yêu cầu Xuân dừng lại nhưng người phụ nữ này không thôi lấy dép lao vào đánh đồng chí Dũng và kèm theo những lời thách thức, chửi bới tục tĩu.

Sau đó, Xuân vào xe ô tô nổ máy cố thủ. Đồng chí Hiếu và Dũng đứng trước đầu xe yêu cầu Xuân tắt máy, xuống xe để làm rõ sự việc nhưng Xuân không chấp hành mà bất ngờ lái xe lao thẳng vào người đồng Dũng.

Trong lúc nguy cấp, đồng chí Hiếu nhanh chân tránh được, còn đồng chí Dũng bị hất lên nắp capo. Xuân tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy chỉ đến khi lực lượng chức năng cùng người dân đuổi kịp thì Xuân mới chịu dừng xe để đồng chí Dũng xuống và sau đó Xuân lại tiếp tục lái xe bỏ chạy.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ tấn công người thi hành công vụ mà nạn nhân là các chiến sỹ thuộc các tổ công tác ở các Đội Cảnh sát giao thông. Tất nhiên, không ai mong muốn hành vi chống người thi hành công vụ sẽ xảy ra ở những người thuộc các đơn vị công tác cao hơn. Nhưng rõ ràng, với vai trò là cảnh sát, ngay từ khi còn ở trong trường cảnh sát, trong chương trình đào tạo của các trường Trung cấp hay Học viện Cảnh sát, võ thuật là một môn học bắt buộc. Tại sao, trong các tình huống bị tấn công, các chiến sỹ không áp dụng kiến thức được học và những quy định trong quy trình công tác đã được Bộ Công an quy định rất rõ để tự vệ và bảo vệ bản thân!?

(Còn tiếp)


Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc