Khó thu hồi tài sản trong các vụ đại án tham nhũng

07:22, 18/05/2014
|

(VnMedia)- Một số vụ án lớn khác đã và đang xử lý, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như: vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII); vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như...

Ảnh minh họa

Năm 2013 các vụ đại án tham nhũng lần lượt được đưa ra xét xử công khai nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp nhiều khó khăn.

Tham nhũng vặt vẫn diễn ra phổ biến

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, những năm gần đây và năm 2013, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Qua phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra từ trước năm 2013 cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng rõ nét hơn, mức độ tham nhũng lớn, một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nhiều vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài phức tạp có chiều hướng gia tăng (như mua ụ nổi, tầu cũ, tàu già của nước ngoài; hối lộ quan chức Việt Nam để thắng thầu v.v...).

Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 đến nay; phương hương, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới của Ban Nội chính Trung ương cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế( ); trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác; trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của Nhà nước v.v... gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.

Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Dự báo trong thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn có nhiều khó khăn, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng. Đáng chú ý nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn như: Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng một số tài sản khó định giá như tài nguyên, khoáng sản, hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật lớn; việc thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; vấn đề xử lý nợ xấu và hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại; vấn đề hoàn thuế VAT.

Khó thu hồi tài sản tham nhũng

Công tác đấu tranh chống tham nhũng yêu cầu một mặt phải xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, đồng thời phải tích cực khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng (gồm thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có, buộc bồi thường thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra). Đây là đòi hỏi của luật pháp và của xã hội, và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện song song với việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế thu hồi tài sản tham nhũng còn rất khó khăn do trong quá trình phạm tội các đối tượng đã cất giấu tài sản, hợp thức hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ; nên số lượng tài sản thu hồi đạt rất thấp (không quá 10%).

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, trong khoảng thời gian từ tháng 8-2012 đến tháng 7-2013, ngành Thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi hơn 117 tỷ đồng nhưng mới chỉ thu được khoảng 59 tỷ đồng; lực lượng Cảnh sát điều tra thụ lý điều tra 371 vụ/847 bị can phạm tội tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng ước tính 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC, nhưng mới chỉ thu hồi nộp ngân sách trên 900 tỷ đồng.

Một số vụ án lớn khác đã và đang xử lý, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như: vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII); vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; các vụ việc, vụ án xảy ra tại các Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng thương mại Nhà nước v.v…

Thực tế trên cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua chưa đạt yêu cầu, cần tập trung chỉ đạo và cố gắng nhiều trong thời gian tới.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc