(VnMedia)- Cơ quan Cảnh sát điều tra, công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đồng thời đã ra lệnh bắt khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đỗ Tú Anh (32 tuổi, ở Tôn Đức Thắng, Hà Nội) để làm rõ về hành vi nói trên.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, đêm 3/3 Đỗ Tú Anh do mâu thuẫn cãi vã với vợ nên uống có uống rượu. Sau đó, Tú Anh lấy xe đi ra ngoài cho khuây khoả.
Khi đang trên đường đến nhà bố mẹ vợ ở phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), Tú Anh nhìn thấy hai cô nữ sinh định băng qua đường và đã gây ra tai nạn. Sau khi gây tai nạn, vì quá hoảng hốt, Tú Anh đánh lái sang bên phải và phóng tiếp, không hề biết có chèn lên nạn nhân lần thứ hai.
Theo khai nhận tại cơ quan công an về lý do bỏ chạy, Tú Anh cho biết do nghĩ chỉ va quyệt, không biết nạn nhân bị thương nặng, cộng với tâm lý hoảng hốt nên đã không dừng xe.
Chiếc xe gây tai nạn là loại xe dành cho offroad (xe địa hình). Trước đây, Tú Anh thường dùng xe này để tham gia offroad. Tuy nhiên, hai năm gần đây, Tú Anh chủ yếu chuyên tâm cho hoạt động kinh doanh của mình ở quán bia.
Nạn nhân trong vụ tai nạn này là chị Nguyễn Thị Quyên (SN 1993, trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; quê ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An) bị chấn thương sọ não hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Qua quá trình điều tra, xác minh vụ việc, bước đầu, cơ quan công an đã xác định được lái xe Đỗ Tú Anh đã uống rượu ở quận Long Biên trước khi lái xe về phố Tôn Đức Thắng và gây tai nạn.
Tú Anh có bằng lái xe B2, kết quả đo nồng độ cồn sau khi để xảy ra tai nạn là 0,78 miligam/lít khí thở.
Được biết, bố mẹ Tú Anh đều là giáo viên nghỉ hưu, vợ là giáo viên mầm non. Lấy vợ được vài năm nhưng vợ chồng Tú Anh chưa có con.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo điều 202 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định như sau: 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Ý kiến bạn đọc