Tại sao vụ "bầu" Kiên phải thay đổi cáo trạng 3 lần?

06:52, 04/03/2014
|

(VnMedia)- Vụ án bầu Kiên hiện đã ba lần được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng. Đó là các cáo trạng số 02, 09 và mới nhất là cáo trạng số 10. Tại sao?

>> "Bầu" Kiên đón nhận cáo trạng mới như thế nào?
>> Đại án "bầu" Kiên: Giữ 4 tội danh, thêm 2 bị can
>> "Bầu" Kiên và chặng đường vi phạm pháp luật

Ngày 12/12/2013 cáo trạng đầu tiên về vụ án "bầu" Kiên được ban hành. Ngày 3/1/2014,  TAND TP Hà Nội trả hồ sơ để điều tra bổ sung về  hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Thể hiện ở việc ông Huỳnh Quang Tuấn thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc ACB biết rõ chủ trương về việc ủy thác tiền gửi, sau đó ông Tuấn thay thế vị trí của ông Phạm Trung Cang trong thường trực HĐQT, đã tham gia ký biên bản họp HĐQT ngày 7/6/2011 có nội dung ủy thác tiền gửi. (
Ngày 20/1/2014 ông Huỳnh Quang Tuấn đã từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ACB. Đơn này đã được HĐQT của ACB chấp thuận ngay trong ngày- PV).

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đức Kiên

Ngày 20/1/2014, Viện KSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn và phục hồi điều tra với ông Phạm Trung Cang. Sau đó, ngày 27/1/2014 cáo trạng số 09 (cáo trạng lần 2) đã đáp ứng những đề nghị nói trên của Tòa án. Theo đó có thêm Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải bị truy tố thêm hành vi ở tội quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, ngày 10/2/2014, cáo trạng số 10 (cáo trạng lần ba) vẫn được ban hành. Cáo trạng lần này không có gì mới hay khác cáo trạng số 09 cũng do ông Nguyễn Mạnh Hiền, Viện Kiểm sát tối cao thừa ủy quyền ký. Nhưng tại sao lại phải ra cáo trạng lần thứ ba?

Trong 36 trang A4 của cáo trạng số 10 đều giống như cáo trạng số 09, chỉ có một chi tiết nhỏ ở phần Quyết định của cáo trạng được sửa chữa để đúng với quy định pháp luật.

Trong cáo trạng số 09, ở phần Kết luận có nêu hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên sang phần Quyết định cáo trạng chỉ nêu: Truy tố Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139.

Việc cáo trạng truy tố như vậy là thiếu sót, bởi khoản 4 Điều 139 chỉ là quy định mức hình phạt "phạm tội một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm hoặc tù chung thân".

Cáo trạng số 10 đã sửa lại: Truy tố Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 139 Bộ LHS. Điểm a quy định là chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

Cáo trạng số 10 phải sửa lại ở phần Quyết định: Truy tố Nguyễn Đức Kiên tội kinh doanh trái phép, quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 159 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra trong cáo trạng số 09, ở phần Kết luận có nêu: Hành vi của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội kinh doanh trái phép quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 159 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên ở phần Quyết định cáo trạng lại nêu truy tố Nguyễn Đức Kiên tội kinh doanh trái phép quy định tại khoản 3 Điều 159 Bộ luật Hình sự.

Trên thực tế không thể truy tố vào khoản 3 Điều 159 Bộ luật Hình sự được, bởi khoản 3 của điều này chỉ quy định mức hình phạt bổ sung "người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đến ba mươi triệu đồng". Chính vì thế cáo trạng số 10 phải sửa lại ở phần Quyết định: Truy tố Nguyễn Đức Kiên tội kinh doanh trái phép, quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 159 Bộ luật Hình sự.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc