"Lật tẩy" đường dây sản xuất bằng giả... siêu tinh vi

14:14, 04/12/2012
|

(VnMedia) - Chỉ với 5 - 8 triệu đồng là người có nhu cầu có thể sở hữu một tấm bằng giả mà mắt thường khó có thể phát hiện được, của bất kỳ một trường Đại học danh tiếng nào...

Ảnh minh họa
Hơn 200 con dấu giả của các cơ quan Nhà nước được tìm thấy tại nhà Thắng

Giật mình với "công nghệ" làm bằng giả

Trước nhu cầu mua bán và sử dụng bằng giả tràn lan, công an thành phố Hà Nội đã lập nhiều chuyên án và triệt phá, bóc gỡ một số đường dây, tổ chức làm bằng giả, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Có những tấm bằng làm giả bởi con dấu, chữ ký mà đối tượng phạm tội chế tạo ra. Có những tấm bằng với con dấu, chữ ký thật nhưng là do thi thuê, chạy điểm. Thậm chí, có những học hàm, học vị cao nhất cũng bị nghi ngờ là không thật.

Vừa qua, công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) triệt phá một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức Nhà nước, bắt giữ Trần Văn Thắng (SN 1977, ở 663 Trương Định, Hoàng Mai) trực tiếp sản xuất bằng giả, Đỗ Lương Hoài (SN 1989, ở Từ Liêm) là đối tượng môi giới, tìm kiếm khách hàng, rồi chuyển cho Thắng sản xuất ngay tại nhà riêng.

Khám xét nhà Thắng, cơ quan công an thu giữ nhiều máy in, máy scan cùng 230 con dấu giả các cơ quan Nhà nước gồm nhiều loại: dấu của Bộ GDĐT, bộ TNMT, UBND phường, công an thị xã Từ Sơn… rồi con dấu, bằng của nhiều trường đại học danh tiếng, chứng chỉ hành nghề bác sỹ đa khoa, kỹ sư… với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng vi phạm khai rằng, chỉ bán cho những người lạ dưới hình thức rao bán trên mạng, qua thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội. Chỉ với 5 – 8 triệu đồng là người có nhu cầu có thể mua được một chiếc bằng giả, thậm chí cả những bằng cấp có giá trị thăng quan tiến chức cao nhất như thạc sỹ, tiến sỹ.

Theo Trung tá Lại Anh Tuấn – Đối phó đội An ninh, công an quận Hoàn Kiếm cho biết: “Các đối tượng này sử dụng phương thức scan lại mẫu bằng, chữ ký người đứng đầu của các trường đại học danh tiếng, sau đó chúng chế tạo phôi, dán tem chống hàng giả mua trên thị trường, rồi bán cho người có nhu cầu”.

Ảnh minh họa
Bằng mắt thường khó phát hiện được bằng giả

Bằng giả khó phát hiện

“Việc phân biệt bằng mắt thường rất khó nhận biết được bằng thật và bằng giả, bên cạnh đó, việc công chứng bằng cấp, cán bộ UBND cấp phường là có thể thực hiện nên rất dễ để lọt. Độ tinh xảo của chúng khá là tinh vi. Đây chính là kẽ hở cho những đối tượng làm giả”. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm đánh giá.

Được biết, 100% những bằng cấp được làm giả đều là bằng đỏ, tức bằng loại ưu, và đặc biệt còn kèm theo bảng điểm có chứng nhận tại những trường cấp bằng. Và tất nhiên các bảng điểm đều thể hiện kết quả đạt loại khá và giỏi. Tên người sở hữu trên bằng giả không hề có trong hồ sơ lưu của các đơn vị cấp. Nhưng các cơ quan tuyển dụng có muốn cũng không thể tự tra cứu cán bộ, nhân viên của mình về quá trình học tập, kết quả học tập, năm tốt nghiệp… Đây là một kẽ hở để các đối tượng làm bằng giả lợi dụng.

Theo cơ quan điều tra, đường dây làm bằng giả này móc nối qua nhiều đối tượng ở Hà Nội, qua nhiều khâu trung gian sau đó bằng được giao về tận tay người tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, hiện tồn tại kiểu bằng thật mà giả vì gian lận trong thi cử. Những vụ việc này được báo chí phanh phui, phóng viên bí mật ghi hình lại.

Mặt khác, có cầu ắt có cung và chuyện sử dụng bằng giả không còn là chuyện hiếm mà có ở đủ thành phần: cán bộ, viên chức, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên… Người sử dụng bằng giả với nhiều mục đích khác nhau, có người muốn có việc làm nhưng không ít người sử dụng bằng giả để tăng lương, để thăng quan tiến chức...

Tuy nhiên, khi công an bắt một đường dây mua bán các loại văn bằng giả, chứng chỉ giả thì thường chỉ dừng lại ở chỗ truy cứu trách nhiệm hình sự người làm, bán bằng giả, còn người sử dụng bằng giả nếu có phát hiện cũng chỉ bị xử lý hành chính.

Có thể nói, nạn bằng giả thể hiện nhiều mặt yếu kém của cả cá nhân và xã hội. Cá nhân là tham quyền, muốn vượt lên người khác bằng sự giả dối, lừa bịp. Xã hội là sự yếu kém về quản lý, buông lỏng kỷ cương, tạo ra sự bất bình đẳng giữa người tài và giả tài năng. Đây phải coi là một quốc nạn làm xói mòn niềm tin, băng hoại các giá trị đạo đức, kéo lùi sự phát triển của quốc gia.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc