(VnMedia) - Hàng trăm hộ dân sống khu Đầm Hồng, Đầm Sen (Khương Đình, Thanh Xuân) vô cùng bức xúc trước việc chính quyền thiếu công khai quy hoạch, mốc giới giải phóng mặt bằng dẫn đến người dân mất lòng tin và dự án kéo dài hơn 10 năm vẫn không giải phóng xong mặt bằng.
Những ngày qua, hơn 130 hộ dân đang sinh sống ổn định tại phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đều lo lắng khi nhận được thông báo bị cưỡng chế, thu hồi đất với mức đền bù quá thấp vì là... đất công?
Xuất phát điểm vụ việc, năm 1992, hàng chục hộ dân đã mua đất tại khu vực xã Đầm Hồng, Đầm Sen. Lúc đó, chủ tịch UBND xã Khương Đình đã ký, đóng dấu. Và tiền mua đất của các hộ dân cũng đã được nộp vào ngân sách nhà nước (có xác nhận trong bản ánh Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên năm 1995). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, khi lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, đất của các hộ dân này vẫn bị “liệt” là đất công khiến cho mức đền bù mỗi m2 chỉ có giá hơn 200 nghìn đồng. Theo ghi nhận của PV, hầu hết người dân đều đồng tình di dời, bàn giao mặt bằng vì đây là dự án công ích lớn của TP. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do chính quyền không minh bạch thông tin quy hoạch ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Hơn 100 hộ dân nằm trong diện giải tỏa đã gửi đơn khiếu kiện các cấp nhiều năm vẫn chưa được giải quyết |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (người dân xã Đầm Hồng) cho biết: “Năm 1992 tôi mua mảnh đất diện tích 65,5m2 được phép xây nhà (do chủ tịch UBND xã Khương Đình thời đó ký). Sau đó, tôi tiến hành xây nhà, sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai. Tuy nhiên, ngày 6/6/2014, gia đình tôi nhận được thông báo của Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Thanh Xuân với phương án bồi thường cho thửa đất của nhà tôi bị thu hồi chỉ hơn 37 triệu đồng với lý do đất công, thời điểm tự chuyển đổi sang làm nhà sau ngày 1/7/2004 đến trước ngày 22/4/2009.
Không đồng tình với thông báo, tôi đã làm đơn khiếu nại, khi chưa nhận được câu trả lời thì lại nhận được quyết định số 712/QĐ –CTUBND của UBND quận Thanh Xuân ngày 9/2/2015 về việc cưỡng chế thu hồi đất. Bất bình nhất trong quyết định cưỡng chế ghi thời gian cưỡng chế đất sau 30 ngày kể từ ngày ra văn bản, nhưng tới tận ngày thứ 25 họ mới mang thông báo đến cửa nhà tôi dán”.
Hơn 10 năm, dự án cải tạo Hồ Khương Trung I không thể giải phóng xong mặt bằng |
Cùng chung nỗi bức xúc, anh Ngô Duy Đông cho biết, “năm 2001 tôi được ông Lê Văn Tiến sang nhượng mảnh đất có diện tích 58,5m2 (bao gồm cả ngôi nhà cấp bốn 28m2), đất có nguồn gốc sử dụng từ cha ông để lại. Tuy nhiên, ngày 30/6/2014, UBND quận Thanh Xuân lại ra quyết định số 3233/QĐ – UBND về việc thu hồi đất và quyết định số 3367/QĐ – UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo quyết định này, nhà tôi chỉ được đền bù hơn 5,3 triệu đồng, lý do là đất công và chỉ được sử dụng từ sau năm 2009 đến nay. Với số tiền này, không biết gia đình tôi sẽ sống như thế nào?”.
Trong khi đó, theo bà Nguyệt, nhiều hộ dân đang có đất bị giải tỏa tại dự án Đầm Hồng, Đầm Sen không được công khai bất cứ thông tin nào về quy hoạch khiến nhiều hộ hiện không biết đất của mình có nằm trong quy hoạch hay không. Thậm chí, diện tích thu hồi đất trong các văn bản có phần sai lệch. Theo quyết định thu hồi đất của TP năm 2008, tổng diện tích thu hồi 115.000 nghìn m2 nhưng tại nhiều văn bản khác diện tích đất thu hồi có 9,2 ha. Ngay trong bản chấp thuận phê duyệt mốc giới của Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, diện tích thu hồi lại chỉ có 105 nghìn m2.
Ông Lê Văn Tiến (người dân) cho biết “ Rất nhiều lần người dân đã lên phường Khương Đình để hỏi rõ thông tin nhưng cán bộ phường không cho biết quy hoạch. Khi mọi phương án bồi thường chưa được thống nhất thì chính quyền ra thông báo cưỡng chế. Chính vì vậy, bà con rất bức xúc ”
Từ những bức xúc của người dân, UBND quận Thanh Xuân và phường Khương Đình đã có nhiều buổi đối thoại với người dân. Trong buổi làm việc PV, ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, tới đây trong quá trình tham mưu, Quận đã đề xuất với các sở, ban, ngành TP Hà Nội, những nội dung liên quan đến diện tích đất thu hồi đối với từng hộ dân và phương án bồi thường từng hộ theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn phải chờ các Sở ngành và UBND TP ra quyết định cuối cùng.
Ý kiến bạn đọc