Lịch sử tiêm chủng của người dân được theo dõi suốt đời

19:14, 24/03/2017
|

(VnMedia) - Chiều 24/3, Bộ Y tế đã khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Theo đó, lịch sử tiêm chủng của người dân sẽ được theo dõi suốt đời…

Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng với việc phân cấp quản lý, bảo đảm tính bảo mật cho hệ thống cũng như cho đối tượng người dân tham gia hệ thống. Với 10 phân hệ và 166 chức năng, Hệ thống thay thế hoàn toàn báo cáo giấy, giúp giảm chi phí, thời gian cho các cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, mỗi năm Việt Nam có 1,7 triệu trẻ em ra đời nhưng số trẻ em chưa được tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn khá nhiều. Tỷ lệ tiêm chủng thấp tại những địa bàn này khiến nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lớn.

Do đó, Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia giúp cán Bộ Y tế nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vị cả nước, từng tỉnh, huyện, xã phụ trách. Ngoài việc hỗ trợ hữu ích cho hoạt động điều hành và triển khai các hoạt động tiêm chủng, thì cũng nhanh chóng phát hiện được những đối tượng chưa được tiêm đủ mũi. Đặc biệt, với những bản, làng, xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các cán bộ y tế sẽ có thống kê chính xác về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và triển khai được các hoạt động hỗ trợ, vận động người dân tham gia nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho công tác tiêm chủng phòng bệnh.

Hệ thống này giúp người dân dễ dàng chủ động khai báo thông tin, đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhận tin nhắn nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng.

Khi có một em bé chào đời, mã ID riêng về tiêm chủng sẽ được cấp cho bé. Mã ID này bố mẹ, cán bộ y tế có thể dễ dàng quản lý, theo dõi các mũi tiêm từ máy tính, điện thoại di động. Việc nhắc tiêm cũng sẽ được nhắn tin đến điện thoại riêng đã được đăng kí. Các thông tin phản ứng sau tiêm, mũi tiêm còn xót… đều được cập nhật rõ ràng trên hệ thống điện tử.

Hiện nay, hệ thống đã triển khai thí điểm tại năm tỉnh, thành phố với khoảng 1.400 đơn vị thực hiện thí điểm cho 700.000 trẻ em. Hệ thống này sẽ nhân rộng trên toàn quốc từ ngày 1/6/2017.

Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, từ 1/6/2018, sẽ không sử dụng sổ sách và bản giấy để phục vụ cho công tác tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực, tiến tới hiện đại hóa trong công tác quản lý số liệu, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí cho tuyến y tế cơ sở, tiến tới triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe toàn dân.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, khi triển khai Hệ thống này, mỗi năm, riêng Hà Nội có thể tiết kiệm khoảng 2 tỷ đồng cho công tác in ấn, lưu trữ sổ sách. Theo nghiên cứu của Tổ chức PATH năm 2015 tại Bến Tre, Hệ thống này sẽ quản lý 1,5 triệu trẻ em và 1,6 triệu phụ nữ có thai; tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng và hơn 50.000 ngày công rà soát đối tượng, tổng hợp báo cáo tiêm chủng mỗi năm.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khai trương Hệ thống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, “dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi mong muốn tất cả trẻ em Việt Nam được chăm sóc toàn diện ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thậm chí trước cả khi bố mẹ quyết định có em bé".

“Tôi đề nghị các Chính phủ giao cho Bộ Y tế phải làm tốt việc này, làm tốt việc chăm sóc sức khoẻ của người dân. Khắc phục bằng được tình trạng người dân Việt Nam mỗi khi có bệnh mới đi khám và mỗi lần một sổ khám bệnh. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo, những thông tin về sức khoẻ của người dân nằm trong hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ được chia sẻ cho Bộ Y tế. Đây là một việc làm rất lớn, phải bắt đầu ngay và kiên trì trong nhiều năm, đòi hỏi sự nỗ lực lớn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc