Giải quyết khiếu kiện: Đủ "mánh" tham nhũng ngay từ khâu nhận đơn

11:19, 24/03/2017
|

(VnMedia) - Tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, là giai đoạn cực kỳ quan trọng nhưng đây cũng là khâu dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng…

Tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng khi người dân, doanh nghiệp chính thức yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Ngược lại, toà án cũng chính thức xác nhận có hay không việc thụ lý vụ việc.

Đây là giai đoạn rất quan trọng,thậm chí mang tính quyết định. Thẩm phán có thể “gây khó khăn” cho người dân, doanh nghiệp để được toà án thụ lý giải quyết vụ việc hoặc cung cấp thông tin cho bên bị đơn, cá nhân, tổ chức có liên quan với mục đích “vòi vĩnh”. Vì vậy, vụ việc có thể không được thụ lý giải quyết hoặc mất nhiều thời gian, công sức để được thụ lý.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo vệ một cách kịp thời hoặc làm phát sinh chi phí không chính thức.

Những nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo nghiên cứu “Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở Việt Nam” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc thực hiện.

Báo cáo do PGS - TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao trình bày. Theo báo cáo, có ý kiến cho rằng, khâu nhận đơn là giai đoạn dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong hoạt động công vụ của cán bộ Toà án. Việc quy định không chặt chẽ tạo ra nhiều khoảng hở cho hành vi tham nhũng.

TS Trần Văn Độ
Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ

Cụ thể, theo TS Trần Văn Độ, việc phân công trách nhiệm không rõ ràng giữa người có trách nhiệm trong Toà án trực tiếp nhận đơn và Thẩm phán thụ lý, dẫn đến tình trạng thẩm phán lựa chọn các vụ án để thụ lý, nếu vụ án đó dễ giải quyết thì nhận, khó thì hẹn đương sự quay lại để thẩm phán tiếp nhận.

“Có trường hợp miệng thì nói, nhưng tờ giấy viết nội dung khác để đòi hối lộ” - ông Độ nêu ví dụ.

Có trường hợp thẩm phán chưa muốn bị sức ép phải nghiên cứu hồ sơ và báo cáo cho Chánh án, nên khi tiếp nhận đơn khởi kiện đã không ghi vào Sổ nhận đơn mà dành thời gian nghiên cứu không bị bó buộc vào thời hạn theo luật tố tụng, do đó, tạo cho toàn bộ quy trình xử lý sẽ không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc theo thời hạn luật định.

Hoặc người tiếp nhận không cấp giấy tờ xác nhận Toà án đã nhận đơn khởi kiện, làm ảnh hưởng đến quyền của người khởi kiện, bởi người dân không có bất kỳ chứng cứ nào để khiếu nại trong quá trình xem xét đơn khởi kiện nếu cán bộ toà án làm mất đơn hoặc hồ sơ khởi kiện; và tạo ra “kẽ hở” và điều kiện thuận lợi cho nhũng nhiễu.

Ông Độ cũng cho biết, người tiếp nhận đơn cũng có thể đưa ra những yêu cầu bất hợp lý để người khởi kiện phải “xin xỏ”; hoặc người tiếp nhận đơn không giải thích rõ ràng những điều cần bổ sung trong khi sắp hết thời hạn khởi kiện; người tiếp nhận đơn kéo dài thời gian xem xét, đe doạ, ép buộc hoặc dùng thủ thuật khác để người khởi kiện phải đưa hối lộ “vặt” để đơn được tiếp nhận, vụ án được thụ lý…

Đối với Thẩm phán được giao xem xét đơn khởi kiện, trên thực tế, nếu vụ án được thụ lý, thì chính thẩm phán đó sẽ được giao giải quyết vụ án sau này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lựa chọn vụ án.

Ngoài ra, Thẩm phán được phân công trực tiếp nhận đơn và tiếp người nộp đơn có thể tạo điều kiện để Thẩm phán tiếp nhận vụ án có quan hệ với nguyên đơn để trực tiếp giải quyết.

“Có trường hợp Thẩm phán đến nhà Chánh án, bảo “anh ơi để em làm vụ này”, hoặc không loại trừ Thẩm phán tư vấn cho đương sự là “cứ nộp đơn đi, tớ sẽ thụ lý, xử lý cho. Ngược lại, Chánh án có thể phân công những Thẩm phán dễ bảo, dễ nghe để xử lý vụ án mình quan tâm. Như vậy, việc phân công không khách quan mà hoàn toàn chủ quan. Trong khi trên thế giới phân công bằng bấm nút bởi thẩm phán phải đủ năng lực xử tất cả các vụ án dân sự” - ông Độ cho biết.

Theo TS Trần Văn Độ, để khắc phục tình trạng trên, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ chủ thể tiếp nhận đơn và hồ sơ, thời hạn xử lý các nghiệp vụ cụ thể, quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán được phân công xem xét ban đầu, nói rõ trường hợp được yêu cầu bổ sung, những giấy tờ phải cung cấp để xác định thời điểm thực hiện hành vi tố tụng…

“Vẫn còn sớm để kết luận những quy định mới có hiệu lực đó được thực hiện trên thực tiễn như thế nào, có mang lại hiệu quả mà các nhà làm luật kỳ vọng hay không. Nhưng chắc chắn, nó sẽ khắc phục được phần lớn những nguyên nhân pháp lý gây ra các tiêu cực đã được phản ánh” - PGS - TS Trần Văn Độ hy vọng.

Đặc biệt, Nguyên Chánh án Toà án nhân dân tối cao nhấn mạnh, cần phải đảm bảo được điều kiện để đảm bảo cho các Thẩm phán được liêm chính. "Lương thẩm phán 4-5 triệu mà đóng học cho con đã 4 triệu rồi, ngồi làm việc mà đương sự tay vân vê nhẫn kim cương thì mắt sẽ sáng lên, nhìn phong bì dày cộp mà trong khi tiền đang thiếu thì dễ xiêu lòng, mặc dù đương sự khôn lắm, phong bì trông thì dày nhưng mở ra có khi toàn tiền 5.000 - 10.000…" - TS Trần Văn Độ chia sẻ.

Ngoài những tiêu cực, tham nhũng trong giai đoạn tiếp nhận đơn thì trong phần trình bày của mình, TS Trần Văn Độ cũng chỉ ra những nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp từ tất cả các giai đoạn khác như: xem xét, phân công Thẩm phán phụ trách xét xử, giải quyết vụ việc dân sự; giải quyết vụ án quá hạn luật định; quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng quy định; quá trình lập hồ sơ, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án; việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và việc áp dụng các luật nội dung...

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc