Chuyện vỉa hè… không phải là chuyện vỉa hè

06:40, 23/03/2017
|

(VnMedia) - Xưa nay nhưng chuyện không đáng tin cậy, không do cơ quan truyền thông chính thống đưa tin hay những chuyện không do người có trách nhiệm phát ngôn chính thức đưa ra nhưng vẫn lan truyền trong dư luận, thường là chuyện không đáng tin lắm, người ta gọi là… chuyện vỉa hè.

Mấy ngày qua, từ “vỉa hè” được đăng tải rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng rất nhiều quan chức lên tiếng phát  biểu hùng hồn về “vỉa hè”. Đủ biết là chuyện về cái vỉa hè, giờ đã không phải là chuyện vỉa hè nữa rồi.

Nó là chuyện văn minh đô thị, chuyện của sự phát triển, chuyện của trật tự luật pháp, cả chuyện lợi ích của các nhóm (ý tôi ở đây không phải là nói đến chuyện “nhóm lợi ích’ mà xã hội đang đả phá) người sống gắn với  vỉa hè nữa.

Như thế đủ biết, chỉ với quyết tâm của một ông Phó chủ tịch quận ở thành phố Hồ Chí Minh, với tuyên bố đanh thép: Không trả lại được vỉa hè cho người đi bộ thì sẽ trao ấn từ quan mà về vườn, thì không đủ để giải quyết được câu chuyện vỉa hè.

Vỉa hè trả lại cho người đi bộ là đúng. Việc tốt như thế, chính quyền ra tay quyết liệt, nhân dân rất ủng hộ. Thế nhưng vỉa hè chưa trả lại được cho người đi bộ (có nơi đã bị “tái chiếm”… ) đã lại nảy sinh bao nhiêu chuyện phức tạp mới khác (giờ đã có kiểu kinh doanh chưa từng thấy, rất mới, không chiếm vỉa hè, mà chiếm… cành cây trên phố để treo hàng bán. Dân bao giờ cũng sáng tạo hơn chính quyền. Đúng là dân … gian).Việc cũ chưa xong, những “sáng kiến” mới của chính quyền đưa ra kiểu như “lập phố hàng rong”,  “khuyến khích người bán hàng rong kinh doanh qua mạng” đã lại gây sự tranh cãi dậy sóng trong cộng đồng. Tất cả làm cho “cuộc chiến vỉa hè” càng thêm phức tạp, chưa biết bao giờ  mới có hồi kết.

Bậc tam cấp được người dân làm tạm sau khi chính quyền dẹp vỉa hè. Ảnh: Gia đạt
Bậc tam cấp được người dân làm tạm sau khi chính quyền dẹp vỉa hè. Ảnh: Gia đạt

 

Vì sao mà chỉ cái chuyện vỉa hè thôi mà cũng loạn cả lên như thế?

Xin thưa, đây không phải là chuyện vỉa hè mà là…

Thứ nhất: Chuyện của niềm tin.

Từ trước đến giờ, hàng chục năm qua, không ai có thể nhớ hết được, đã bao nhiêu “chiến dịch”, bao nhiêu đợt “ra quân” (không biết để đánh giặc gì nữa), rồi các Nghị định (nổi tiếng nhất  là cái Nghị định ba sáu xê pê mà những bức tường bị đập nham nhở ở cả bên những con đường quê từ hàng chục năm trước  bây  giờ vẫn còn…), Thông tư, Chỉ thị, Nghị quyết này nọ với những khẩu hiệu “quyết tâm”, “kiên quyết”,  huy động “cả hệ thống  chính trị vào cuộc”, “làm cho bằng được”, rồi nào “nhân dịp” này, “chào mừng” kia, đủ các thứ kiểu loại…  mà trât tự  đô thị nói chung, chuyện lấn chiếm vỉa hè nói riêng… vẫn chỉ ngày càng tồi tệ hơn trước.

Chính cái kiểu làm việc, nói nhiều làm ít, đầu voi đuôi chuột, không  đến đầu đến đũa của một số các cấp chính quyền đã thành “chuyện ngày thường ở phường” như vậy nên lần này, nói thật là người dân tuy ủng hộ việc chính quyền ra tay đòi hè phố cho người đi bộ, song trong lòng thì nhiều người dân vẫn không tin là nó thành công. Câu nói “vỉa hè” phổ biến là : “Đề rồi xem được mấy bữa, rồi lại đâu vào đấy – y như cũ-  mà thôi”.

Tư tưởng không thông, vác bi - đông cũng không nổi. Lòng tin, xây dựng thì khó, đánh mất thì dễ. Mà đã bị mất, thì rất khó lấy lại. Do vậy mà bề ngoài nói ủng hộ, bên trong người ta đã chuẩn bị tinh thần để tái chiếm khi có điều kiện, và thực tế điều đó cũng xảy ra rồi.

 Thứ hai, chuyện của nhận thức:  Không thể thiết lập được trật tự đô thị nếu không có sự thống nhất nhận thức trong toàn xã hội, vì nếu không có sự  thống nhất  nhận thức thì không thể có sự đồng thuận của nhân dân. Mà nhận thức trong nhân dân làm sao có thể  thống nhất khi nhận thức trong chính các cấp chính quyền cũng còn chưa thống nhất. Chỉ một khái niệm “hàng rong” thôi mà đã nhận thức không đúng rồi. Thế nên mới có chuyện lập “phố hàng rong” để gom những người bán hàng rong về đó kinh doanh cho có trật tự. Ý tưởng này chắc chắn thất bại, vì những người bán  hàng rong chỉ tồn tại nhờ lợi thế duy nhất trong kinh doanh là họ cung cấp được hàng hóa cho người mua mà người mua không phải đi lại (nên dù bán đắt hơn một chút vẫn bán được hàng). Còn khi người mua đã phải đi xa để mua hàng, người ta sẽ ra chợ hoặc siêu thị mà không mua của người bán hàng rong. Còn lập ra một dãy phố cho phép người ta bán hàng trên vỉa hè (thực chất gần như là một cái chợ trên vỉa hè), thì làm sao ngăn dược các phố khác cũng đòi làm như thế? Cho chỗ này được làm, chỗ khác thì không, luật pháp nào làm cơ sở cho sự bất công như vậy? Chắc chắn rằng, việc lập cái “chợ vỉa hè” như vậy không giải quyết được bức xúc của những người dân nghèo mà đời sống của họ bấy lâu nay gắn với gánh hàng rong trên vỉa hè, mà số lượng những người này là không phải ít. Đành rằng lập lại trật tự hè phố là rất cần thiết, song đừng quên rằng, quăng một số đông người nghèo ra bên lề của trật tự ấy, thì chắc chắn sẽ tạo ra một sự mất trật tự lớn hơn ở chỗ khác mà thôi.

Thứ ba, chuyện tổ chức chức hành động: Rất dễ dàng thấy được là, do không nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình nên các cấp chính quyền vào cuộc rất không đồng bộ. Đầu tiên là sự hăng hái đột xuất  (và đơn độc) của vị  (ông Hải) Phó Chủ tịch Quận I thành phố HCM. Sau đó với sự ủng hộ và đòi  hỏi của dư luận thì các cấp chính quyền và các địa phương khác mới vào cuộc với những hoạt động tương tự. Và khi ông Hải “không còn cô đơn” nữa thì người ta mới lại nhận thấy ảnh hưởng xấu của ‘chiến dịch” này đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo vốn đã chịu thua thiệt đủ đường trong một thể chế kinh tế còn rất thiếu  công bằng. Đối mặt với những bức xúc mới nảy sinh, các nhà quản lý “tài ba” lại vội vàng đưa ra các “sáng kiến” kiểu “lập phố hàng rong”, “tạo điều kiện cho người bán hàng rong kinh doanh qua mạng”… Và chẳng khó gì mà người ta không nhận thấy những sáng kiến này không thể giải quyết được gốc gác của vấn đề, mà chỉ tạo tâm lý giảm bức xức xã hội nhất thời mà thôi. Những điều đó nói nên là người ta không hề có một kế hoạch dài hạn, tổng thể, có tính khoa học vững chắc gì cho việc thiết lập và duy trì trật tự hè phố, gắn chặt với việc giải quyết các vấn đề đời sống dân sinh cả.

Đừng tưởng chuyện vỉa hè chỉ là … chuyện vỉa hè. Chúng ta ai cũng mong cho ông Hải thành công, song nếu ông ấy thất bại thì người dân chúng ta không có quyền đòi hỏi ông ấy phải về vườn như đã tuyên bố, vì sự nhiệt tình, trách nhiệm và nhất là trí tuệ của một mình ông ấy không thể đảm bảo thắng lợi cho “chiến dịch” này. Nếu ba vấn đề (thuộc trách nhiệm của lãnh đạo các thành phố) nói trên mà không được giải quyết đúng, thì “chiến dịch” này sẽ lại “thành công” nửa vời như các “chiến dịch’ trước đây mà thôi.

Trần Văn Sỹ

 


Ý kiến bạn đọc