Bị chồng bạo hành, phụ nữ chỉ có thể… ly hôn?!

06:12, 23/03/2017
|

(VnMedia) - Với những vụ bạo hành nghiêm trọng hoặc bị bạo hành thường xuyên, lựa chọn duy nhất của nạn nhân thường là ly hôn, chứ không phải là tòa án hình sự với tư cách là nạn nhân của bạo lực.

Ngày 22/3, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Liên hợp quốc (UNWomen) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo báo cáo khảo sát nhận thức về quyền tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo hành.

Đánh vợ

Lựa chọn duy nhất của nạn nhân thường là ly hôn, chứ không phải là tòa án hình sự với tư cách là nạn nhân của bạo lực - Ảnh minh họa

Nhiều rào cản, nhiều nỗi sợ

Theo Dự thảo báo cáo đưa ra tại Hội thảo, trong số 205 phụ nữ được hỏi (đa số có trình độ học vấn cao) tại TP Hà Nội và Lạng Sơn thì gần 30% cho biết đã trải qua một số hình thức bạo lực trong cuộc đời. Trong số những người trả lời được xác định là nạn nhân, hơn một nửa đã trình báo hoặc cố gắng trình báo vụ bạo lực.

Nhưng điều đáng nói, với những vụ bạo hành nghiêm trọng hoặc bị bạo hành thường xuyên thì lựa chọn duy nhất của nạn nhân thường là ly hôn, chứ không phải là tòa án hình sự với tư cách là nạn nhân của bạo lực.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, công lý và khả năng tiếp cận công lý sẽ tạo cho phụ nữ cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của mình, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt.

“Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của Bộ Tư pháp đã chỉ ra phụ nữ bị bạo hành đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công lý, tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng”, ông Châu nói.

Trước hết, theo Bộ luật Hình sự, tỷ lệ thương tật phải ở mức 11% trở lên mới cấu thành tội phạm nhưng luật không tính đến trường hợp “thương tích tích lũy dần dần” trong các vụ bạo hành.

Ngoài ra, vẫn có ý kiến nghĩ rằng nếu bạo lực xảy ra trong gia đình thì nên xử lý trong gia đình hoặc hòa giải. Còn hệ thống tư pháp hình sự chỉ xử lý các hình thức bạo lực nghiêm trọng hơn.

"Khi tôi báo cáo với người tổ trưởng tổ dân phố, bà ấy yêu cầu tôi làm đơn "Làm đơn đi rồi tôi tới ". Lần tiếp theo, khi xảy ra bạo lực, tôi có làm đơn nhưng họ không ghi biên bản về vụ bạo lực", một nạn nhân của bạo lực gia đình cho biết.

Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, nguyên nhân phụ nữ không tiếp cận với hệ thống pháp luật còn là do bị chồng hăm dọa, hoặc do chính nạn nhân lo lắng đến tương lai của các con.

“Có người bị bạo lực từ lúc lấy chồng đến bây giờ, hỏi tại sao chịu đựng thì nói nhiều lý do: vì kinh tế, vì lo con không được quyền lợi nhà chồng, thôi chịu khó để mai này con cái trưởng thành; Hoặc cũng có lý do là sợ tên tuổi, bí mật cá nhân không được giữ, ảnh hưởng đến con cái…” bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật – hình sự (Bộ Tư pháp) chia sẻ.

Điều đáng chú ý, Dự thảo Báo cáo cũng đưa ra thông tin, “có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ bạo hành vì không nhờ đến hệ thống tố tụng can thiệp, chứ không xem xét các thách thức nội tại trong hệ thống tư pháp khi xử lý các vụ bạo hành”.

Trong khi hầu hết người trả lời cuộc khảo sát của UN Women cho rằng, nghĩ rằng tất cả các hành vi bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, đều là hành vi phạm tội.

Nhưng đa số các cán bộ tiến hành tố tụng (Kiểm sát viên, Toà án, Cảnh sát) tham gia khảo sát lại cho rằng không phải mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ đều là tội phạm.

Đáng ngại hơn, một nhóm công an trong khảo sát cho rằng bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục thường không đủ cấu thành để xử hình sự. Họ cảm thấy rằng hình phạt hành chính không đủ nghiêm trọng nhưng hình phạt hình sự lại sẽ quá nghiêm đối với những trường hợp này và cho rằng cần phải có một giải pháp thích hợp để xử lý loại bạo lực này.

Phạt tiền: Nạn nhân lại là người phải trả!

Những nạn nhân tham gia khảo sát trong báo cáo cho rằng, “những người chồng gây bạo lực gia đình cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn là chỉ phạt tiền vì điều này không ngăn cản họ lặp lại bạo lực”.

Các kiểm sát viên tham gia khảo sát cũng lưu ý, hình phạt hành chính mà thường là phạt tiền có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân bạo lực gia đình.

“Có người nói, nếu chúng tôi trình báo mà bị phạt thì tự bỏ tiền ra nộp chứ chồng rượu chè làm gì có tiền? Như vậy, thà không trình báo còn hơn” - Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Hình sự (Bộ Tư pháp) nêu thực tế.

Trước những thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho rằng, để bảo đảm quyền của người phụ nữ, một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay là phải thay đổi và nâng cao nhận thức của nạn nhân, các chủ thể các nghĩa vụ bảo đảm quyền của phụ nữ, trong đó có cán bộ thực thi pháp luật và người dân.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc